Cô gái Vũ Thị Vân ở Thái Thụy - Thái Bình, đã chế biến lá tía tô thành những sản phẩm trà thảo dược cao cấp, được gắn sao OCOP.
Nhân duyên với nghề
Trên hành trình chữa bệnh, các cây dược liệu gắn bó chị Vũ Thị Vân, thôn 2 An Định, xã Thụy Văn (Thái Thụy) nhiều năm liền. Đây cũng là nhân duyên để chị khởi nghiệp từ nông dược.
Chị Vân tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành kỹ thuật thực phẩm, từng làm việc tại một số công ty lớn. Tuy nhiên, với nhân duyên gắn bó với các cây lá nam và nhìn những thửa ruộng bỏ hoang hóa tại quê hương mình. Chị Vân quyết định xây dựng vùng trồng các loại cây này tại thôn An Định, xã Thụy Văn huyện Thái Thụy và thành lập Hợp tác xã Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi vào giữa năm 2022. Chính thổ nhưỡng tại An Định đã góp phần giúp cây tía tô có hương thơm mạnh và vị cay nồng đặc trưng hơn rất nhiều so với các nơi khác.
Dường như đã được thay da đổi thịt sau dịch COVID bởi sự chuyển đổi cây trồng rất sáng tạo của Hợp tác xã Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi. Cánh đồng trải dài một màu tím của lá tía tô khiến ai cũng tò mò về chặng đường mà loại cây này gắn bó với nơi đây. Hơn thế nữa, hợp tác xã cũng đã đầu tư xây dựng thành công sản phẩm Trà túi lọc tía tô mang thương hiệu Vavi đem đến thị trường một sản phẩm an toàn vì sức khỏe mọi người.
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Vân tìm tòi học hỏi những thầy thuốc về cách sử dụng, lúc đầu thất bại nhưng vì tình yêu với các loại thảo mộc tự nhiên lớn dần tự khi nào. Nhận thấy nguồn nguyên liệu lá tía tô của Hợp tác xã rất dồi dào và muốn nâng cao giá trị của sản phẩm, chị đã đầu tư nhà xưởng chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho ra đời Trà túi lọc tía tô chất lượng cao.
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm xanh vì sức khỏe cộng đồng, năm 2022, chị Vân thành lập HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, chị Vân hướng dẫn cho các hộ dân cách trồng cây dược liệu không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Phân bón chủ yếu cho cây dược liệu sạch phải ủ bằng phân gà, rau củ, ốc bươu; thuốc trừ sâu sinh học cũng được tự tạo để chăm sóc cây dược liệu. HTX ký kết hợp đồng thu mua dược liệu cho bà con nông dân.
Sau khi thu hái, dược liệu được sơ chế kỹ càng và chế biến theo đúng tiêu chuẩn trước khi đóng gói. Hiện tại, HTX sản xuất gần 20 sản phẩm như trà thảo dược, dầu gội, xà bông tắm... trong đó trà túi lọc tía tô được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX cũng cung cấp nguyên liệu cho một số công ty, cơ sở chế biến khác.
Bà Mai Thị Xô, thôn Hạc Ngang, xã Dương Phúc (Thái Thụy) cho biết: Gia đình tôi có 2 mẫu trồng tía tô, hương nhu, lạc tiên, cà gai leo, sen... cung cấp cho HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi. Tính ra làm nhàn, an toàn cho sức khỏe mà thu nhập khá hơn so với cấy lúa.
Chị Vân chia sẻ: Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm dược liệu hữu cơ, muốn tiêu thụ tốt, điều căn bản là phải chú trọng đến chất lượng từng sản phẩm. Nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, thêm vào đó, chị có sự hỗ trợ từ gia đình nhà chồng (có truyền thống làm thuốc Bắc và bán lá thuốc Nam), sự ủng hộ của các hộ dân trồng cây dược liệu trong quá trình xây dựng thương hiệu nên chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.
Để tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh bán hàng theo phương thức truyền thống, tham gia các hội chợ triển lãm để trưng bày và giới thiệu sản phẩm thì với xu thế chuyển đổi số hiện nay, HTX đẩy mạnh bán hàng online. Dù bắt đầu chưa lâu nhưng HTX của chị Vân mang đến thu nhập khá gần 10 triệu đồng/tháng/người.
Nâng hạng cho sản phẩm vươn xa
Hỏi về tương lai cho sản phẩm của mình chị Vân chia sẻ: Theo kế hoạch và lộ trình phát triển, tôi đặt ra mục tiêu chiến lược phấn đấu sẽ hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP lên hạng sao. Đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Chị Vân cho biết thêm: Được sự động viên của cán bộ hội phụ nữ các cấp, tôi đã nộp hồ sơ dự thi và vượt qua vòng sơ loại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp vùng. Đó là cơ hội để tôi được giao lưu, học hỏi, có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn khởi nghiệp. Hiện nay, cũng có một số đơn vị, cá nhân muốn đầu tư vào HTX nhưng tôi đang nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và khảo sát thị trường rồi mới có quyết định.
Theo chị Vân: Đến nay cơ sở sản xuất đã phải tăng nguồn thu mua nguyên liệu từ của người dân cũng như tăng sản lượng sản xuất hằng ngày để phục vụ nhu cầu khách hàng. Chúng tôi sản xuất trà bằng 100% lá tía tô sạch tự nhiên, không chứa bất cứ chất bảo quản hay loại hương liệu nào khác. Sản phẩm chứa những tinh chất quý giá của lá tía tô, vị đắng nhưng tính mát đem lại những giá trị thiết thực cho cơ thể. Trà túi lọc tía tô được sử dụng như một loại trà thanh nhiệt hàng ngày, màu nước đỏ đậm tự nhiên, mùi hương man mác và đặc biệt không bị lắng cặn do đó phù hợp với mọi đối tượng sử dụng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương với mức hơn gần 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, công ty còn thu mua nguyên liệu là tía tô, cho nông dân tại địa phương. Đặc biệt hơn cả là các sản phẩm của HTX đều tham gia chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Đỗ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thái Thụy đánh giá: Cùng với chị Vân, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm khởi nghiệp, OCOP do phụ nữ làm ra. Các sản phẩm này là có nhiều thay đổi phù hợp sau khi được các cấp hội hỗ trợ như chất lượng, mẫu mã, cách tiếp cận thị trường... Các chị đã dựa vào nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để phát triển sản xuất, kết nối chặt chẽ với các hộ nông dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu dồi dào, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ địa phương.