Ricons là cái tên gây tranh cải lớn nhất, dẫn đến sự tan rã của "Coteccons Group" và sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương khỏi doanh nghiệp do ông gầy dựng suốt 18 năm.
Mới đây, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons tiến hành ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 nhằm thông qua một số nội dung đáp ứng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong thời gian tới.
"Siết" quyền cổ đông sau bài học của Coteccons
Những nội dung được trình tại đại hội Ricons lần này có thể xem là bước chuẩn bị đầu tiên của Ricons sau những sự cố về quản trị đã xảy ra tại Coteccons.
ĐHĐCĐ bất thường của Ricons đã thông qua điều lệ mới với nhiều chi tiết quan trọng. Trong đó, công ty sẽ qui định chặt chẽ hơn về tỉ lệ sở hữu cổ phần được quyền đề cử ứng viên vào HĐQT và Ban kiểm soát của công ty.
Hệ sinh thái Ricons Group.
Cụ thể, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mới được đề cử một ứng viên vào HĐQT, thay vì chỉ cần 5% đến dưới 10% như qui định trước đây.
Bên cạnh đó, điều lệ mới cho phép công ty có thể có một đến hai người đại diện theo pháp luật, trong khi điều lệ cũ qui định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngoài ra, điều lệ mới còn qui định rõ việc bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát được thực hiện theo phương thức bầu trực tiếp chứ không bầu dồn phiếu.
Đơn cử như Thành viên HĐQT chỉ trúng cử khi có từ 65% tổng số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện ủy quyền có mặt tại cuộc họp ĐHĐCĐ chấp thuận, hoặc từ 51% trở lên trong trường hợp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Những bước đi mới của Ricons diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn giữa CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) và cổ đông lớn Kusto luôn là điểm nóng tại các kì ĐHĐCĐ thường niên trong những năm vừa qua.
Hiện HĐQT Ricons nhiệm 2015 - 2020 gồm 5 thành viên: Ông Trần Quang Quân (Chủ tịch HĐQT), ông Lê Miên Thụy (Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc), ông Nguyễn Sỹ Công, ông Trần Kim Long và ông Nguyễn Trung Tín.
"Ép" tiến độ niêm yết
Một trong những nội dung quan trọng khác đã được cổ đông thông qua tại đại hội lần này là Ricons sẽ đổi tên từ CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons Group), phát triển Ricons theo mô hình tập đoàn với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng lớn thứ ba ở Việt Nam.
Định hướng này đã được Ricons công bố tại Báo cáo thường niên 2019. Theo đó, hệ sinh thái Ricons Group bao gồm các thương hiệu: Ricons (tổng thầu), Riland (đầu tư và phát triển bất động sản), Rihomes (sàn giao dịch bất động sản thuộc Riland), Rilex (cho thuê không gian làm việc thuộc Riland), Risa (khối quản lí bất động sản thuộc Riland), Ricommerce (khối thương mại thuộc Riland), QuiHub (cho thuê kho bãi và nhà xưởng).
Ricons cũng vừa tách khỏi "Coteccons Group" trong năm nay để tạo lập cuộc chơi mới cho riêng mình. Vào đầu tháng 6/2020, Ricons đã thay đổi nhận dạng thương hiệu bằng cách thay "Conteccons Group" ở logo thành "Since 2004".
Đến ngày 30/6, Coteccons (HoSE: CTD) là cổ đông lớn của Ricons với tỷ lệ sở hữu 14,3%. Trong một báo cáo thay đổi về vốn vào tháng 10/2019, Ricons cũng có nhóm cổ đông nước ngoài nắm giữ 16,96% vốn điều lệ. Một cổ đông ngoại lộ diện trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Ricons là Dragon Capital đã yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết trong năm 2021 theo như cam kết. Dưới sức ép từ cổ đông này, ban lãnh đạo Ricons đã đồng ý chốt thời hạn niêm yết vào tháng 2/2021.
Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Trần Quang Quân, "những thay đổi này giống như chuẩn bị hạ thủy ra biển lớn và đây là công việc đầu tiên để hạ thủy con tàu này.
Hồ sơ niêm yết đang trong quá trình xem xét và chờ phê duyệt từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Thời điểm Ricons niêm yết nhanh nhất là tháng 1/2021, nếu không chúng tôi sẽ cố gắng nhanh nhất trong quí I và chậm nhất là quí II/2021".
Ricons đang kinh doanh ra sao?
Doanh thu Ricons trong năm 2019 đạt 8.752 tỉ đồng giảm 5,94%, lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỉ đồng giảm 16,46% so với cùng kì năm 2018. Dù vậy, đây là kết quả khả quan hơn rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Nếu như lợi nhuận của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% của Coteccons thì đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Lợi nhuận quý II/2020 của Ricons thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm gần nhất. Đơn vị: tỷ đồng
Báo cáo tài chính quý II/2020, Ricons ghi nhận 1.653 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 14% xuống gần 97 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 5,9%. Sau khi trừ các chi phí, Ricons báo lãi sau thuế gần 60 tỷ đồng, giảm 15% so với quý II/2019.
Ricons có 1.185 tỷ đồng tiền nhàn rỗi tính tới cuối kỳ, bao gồm tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 35% so với đầu kỳ.
Phải thu ngắn hạn khách hàng giảm 30% so với đầu năm, còn 2.542 tỷ đồng, bằng 47% tổng tài sản. Trong đó, Ricons có khoản phải thu từ Coteccons (HoSE: CTD) và Unicons hơn 458 tỷ đồng, An Gia Phú Thịnh (công ty con của An Gia - HoSE: AGG) hơn 355 tỷ đồng... Coteccons là cổ đông lớn của Ricons với tỷ lệ sở hữu 14,3% vốn.
Hàng tồn kho cuối kỳ gấp 1,8 lần, đạt 461 tỷ đồng, chủ yếu tại các công trình xây dựng dở dang như công trình nhà ở thấp tầng khu đô thị mới Dương Nội, Chung cư cao tầng Simco và các công trình khác.
Ricons không có nợ vay tài chính. LNST chưa phân phối cuối kỳ là 333 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (317 tỷ đồng).
Tính chung 6 tháng đầu năm, Ricons ghi nhận 2.745 tỷ đồng doanh thu và 92 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 7% và giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 37% kế hoạch doanh thu và 39% mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm 2020.
Có thể bạn quan tâm