Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Sau khi những bất đồng nội bộ của Nga bị phơi bày với vụ binh biến của Wagner, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây có một số động thái thân Phương Tây khiến Moscow lo ngại.
Sau sự cố không đáng có với Wagner, một trong những điều mà chính quyền Nga lo ngại là ảnh hưởng của Moscow có thể bị suy giảm tại một số nơi trên thế giới – khi họ nhận ra có sự rạn nứt to lớn trong chính quyền của ông Putin do cuộc xung đột tại Ukaine.
>>Hai "ngã rẽ" cho Kiev hậu chiến sự Nga - Ukraine
Và với một số động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ - một “đối tác” quan trọng trong NATO của Nga, có khả năng những lo ngại của Moscow đang dần trở thành hiện thực.
Sau cuộc làm việc với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã trở lại Kiev với nhiều thành quả. Trong đó, đáng kể nhất là việc ông đưa được 5 cựu chỉ huy tiểu đoàn Azov bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Động thái này thực sự đã khiến Moscow tức giận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân được hai nước ký kết vào năm ngoái.
Ông Peskov cho biết Nga chưa được thông báo về việc này dù Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa sẽ giữ các tù nhân này trên đất của mình cho tới khi chiến sự Nga- Ukraine kết thúc. “Động thái này đi ngược lại các điều khoản của các thỏa thuận hiện có. Các điều kiện hoàn trả đã bị cả phía Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vi phạm”, Peskov nói.
Theo các nhà phân tích, quyết định của Tổng thống Erdogan là "một sự xúc phạm đối với Nga”, đồng thời cũng ngầm thể hiện sự sự ủng hộ của Ankara đối với việc Ukraine gia nhập NATO - một vấn đề mà Nga không thể chấp nhận.
Mặc dù ông Peskov tuyên bố rằng NATO đã gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần này tại Vilnius, các chuyên gia nhận định động thái mới này cũng cho thấy Moscow không còn nhiều tiếng nói đủ sức nặng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm chỉ huy từ tiểu đoàn Azov đã bị Nga bắt vào tháng 5/2022 sau khi cầm cự hơn hai tháng ở Mariupol. Vào tháng 9/2022, Ukraine và Nga đã thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Trong số đó, 5 chỉ huy này được Ankara cam kết sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ đến khi chiến tranh kết thúc. Cũng trong năm ngoái, Tòa án Tối cao Nga đã coi tiểu đoàn Azov là một "tổ chức khủng bố" ở Nga.
Một tin tức khác cũng đang khiến Moscow lo ngại – đó là Thổ Nhĩ Kỳ đang “ra giá” với Mỹ và phương Tây để đổi lấy việc ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.
Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Erdogan ngày 9/7, hai bên đã thảo luận về các khả năng để Ankara đồng ý cho phép Thụy Điển gia nhập khối NATO.
Một trong những lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được là máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Đây sẽ là một vấn đề cốt lõi trong cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo tại thượng đỉnh NATO sắp diễn ra.
Là một quốc gia thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ trước tới nay luôn phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí của Nga. Thậm chí, chính vì Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga đã khiến nước này bị loại khỏi chương trình F-35 và bị Mỹ trừng phạt.
Gần đây, các nhà quan sát cho rằng Erdogan đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí Nga khi tìm cách nhận được các vũ khí tối tân của phương Tây. Một số học giả của Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng việc Tổng thống duy trì S-400 bất chấp sự thiếu đồng bộ với các vũ khí NATO là bởi ông coi đó là một biểu tượng chính trị để thuyết phục giới cánh tả trong nước hơn là thực chiến.
Đồng thời, gần đây Thụy Điển cũng có các bước cần thiết liên quan đến luật chống khủng bố nhằm giải quyết khúc mắc lớn nhất của Ankara liên quan tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Với những tín hiệu tích cực đó, nhiều khả năng Stockholm sẽ có được cái gật đầu của Ankara để gia nhập NATO- một động thái rõ ràng sẽ khiến Nga tức giận. Nếu Thụy Điển được kết nạp, NATO sẽ có thêm một hạm đội tàu ngầm thuộc loại tân tiến nhất thế giới ở biển Baltics, góp phần hạn chế năng lực Hải quân Nga từ phía Bắc.
>>Nga "chật vật" thay thế ảnh hưởng của Wagner tại Trung Đông
Bất chấp những tín hiệu đó, nhiều chuyên gia nhận định ông Erdogan chỉ đang gây sức ép ngược với phương Tây và Nga để đổi lại các lợi ích chiến lược cũng như nâng cao vị thế của Ankara tại châu Âu. Như trong cuộc gặp với ông Zelensky, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có "mong muốn chân thành nhất" được gặp Kiev và Moscow trở lại bàn đàm phán – nơi Ankara kỳ vọng sẽ đóng một vai trò chính yếu để kết thúc chiến tranh.
Do đó, nhiều khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện một hành động cân bằng chiến lược nhằm nâng cao vị thế chính trị của bản thân khi vừa bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới. Nhưng dù thế nào chăng nữa, vị thế đang lên của Ankara cùng với ảnh hưởng đi xuống của Moscow sẽ không phải là điều Nga mong đợi.
Có thể bạn quan tâm