Sự an nguy của chính đảng lãnh đạo rút cuộc bắt nguồn từ nền kinh tế mạnh hay lòng dân yên ổn?
Vài năm trở lại đây đã xuất hiện những “vết nứt” trong niềm tin dân chúng khi có hàng loạt vụ việc kinh thiên động địa được phanh phui. Nhưng khi nói điều này, tức là cũng mặc định thừa nhận “niềm tin ấy từng là tuyệt đối...”.
Đặc điểm của một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa hoàn thiện, thể chế luật pháp còn nhiều khe hở, đang trong giai đoạn chuyển đổi, đan xen tối sáng, trắng đen; nhiều thứ phải chọn lựa, gạt bỏ; sự xung đột giữa cái mới và cái cũ, trì trệ bảo thủ và đổi mới tiến bộ...
Những điều đó đã tác động sâu sắc đến lối sống, suy nghĩ cộng hưởng với “xa lộ thông tin” ngồn ngộn làm cho lòng người lắm khi dao động, hoang mang. Đảng, Nhà nước đã biết, thậm chí còn định lượng cụ thể. Nhưng làm sao để “an dân”?
Nhiều năm nay, người ta luôn coi trọng vấn đề phát triển kinh tế, làm sao cho các con số tăng trưởng càng to càng tốt. Điều đó không sai, nhưng liệu rằng, phương pháp tiếp cận vấn đề đã chính xác? Sự an nguy của chính đảng lãnh đạo rút cuộc bắt nguồn từ nền kinh tế mạnh hay lòng dân yên ổn?
Hàng chục kỳ họp Quốc hội chủ yếu bàn về kinh tế, chỉ lác đác một vài ý kiến gióng lên hồi chuông báo động sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên. Rất ít khi chủ đề “an dân” được mở trên tầm quy mô quốc gia.
Các con số lượng hóa đã cho thấy, nhiều quốc gia văn minh, theo con đường tư bản chủ nghĩa đã kiểm soát rất tốt vấn đề tham nhũng, lãng phí. Họ làm cách nào? Đương nhiên, các nước ấy cũng có hệ tư tưởng để vin vào.
Việt Nam là một quốc gia đang nhức đầu tìm cách trị tham nhũng, lãng phí. TW ban hành nhiều Nghị quyết để chấn chỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng phát động chiến dịch “đốt lò” nhằm làm trong sạch bộ máy, đáp ứng đúng mong mỏi của nhân dân, kết quả thấy rõ.
Nhưng có một nguồn tư tưởng quý giá đã được chắt lọc, đúc kết, ngắn gọn, dễ hiểu, đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh - Người dạy cho cán bộ, đảng viên cách để gom góp sức mạnh cho Đảng. Nhưng liệu rằng, cán bộ, đảng viên đã thấm nhuần?
Người nói giản đơn “sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng”. Nội hàm của nó gói gọn trong mấy chữ thôi “trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân”.
Như vậy có nghĩa, để Đảng mạnh, mỗi đảng viên, cán bộ bắt buộc phải thực hiện mấy điều trên. Trong lịch sử, không hiếm tìm thấy nhiều “công bộc” rất “hồng”...
Nhưng ngày nay, một bộ phận không nhỏ đã đổi từ “hồng” sang “đen”, số rục rịch chuyển đang ở trạng thái “xam xám” cũng không hề ít. Đó là khi báo chí dùng cụm từ “động vào đâu cũng có sai phạm”.
Gần dân, cũng rất dễ, từ lối sống, bộ đồ đang mặc, phương tiện đang sử dụng, ngôi nhà đang ở. Nếu cán bộ ở biệt thự, tường cao, cổng kín...tức là họ đã định ra ranh giới ngăn cách với dân.
Nếu cán bộ ăn mặc bóng lộn, xe pháo rình rang thì họ đã tự đối lập mình với sự kham khổ của giới cần lao ngoài xã hội.
Bởi thế, đôi dép cao su, tấm áo vải nâu, chỏm râu, đôi mắt, mái tóc, điếu thuốc lá của Bác Hồ mới trở thành hình tượng kinh điển trong lòng dân. Bác đi cơ sở là đi vào nhà dân, ra đồng lúa, nâng niu từng củ khoai, hạt thóc của nhân dân...
Không ai nói yêu Bác vì Bác là Chủ tịch nước, người ta mến Bác vì khí chất toát lên điều gì đó rất người, rất đời, đó là khi Bác hiểu người đối diện với mình cần gì và biết họ là ai...
Điều kiện nay đã khác, nhưng không có nghĩa người lãnh đạo cho phép mình đóng kín mình trong phòng làm việc, phán xét vấn đề qua báo cáo của cấp dưới, xa lánh dân chúng bằng lời từ chối khó cãi “bận họp”.
Trọng dân cũng đơn giản, là tôn trọng nhân dân như chính người thân của mình, là một tiếng “dạ thưa...” lễ phép ở chốn tiếp dân; thái độ lịch sự, nhẹ nhàng khi hướng dẫn thủ tục hành chính.
Chẳng hiểu sao, không ít cán bộ sẵn sàng “mày - tao” với nhân dân, tay chỉ mồm quát mỗi khi không vừa lòng. Điều này rất không nên, cũng chính là họ không định vị được trách nhiệm và nghĩa vụ là “phục vụ” và cao hơn là “phụng sự”.
Lắng nghe dân cũng rất dễ thực hiện, nhưng phải là lắng nghe thật, chứ không phải hình thức, qua loa đại khái. Có rất nhiều dự án trước khi triển khai, cơ quan chức năng đã làm đúng “thủ tục” tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến nhân dân...
Nhưng chẳng hiểu sao, dân cứ ùn ùn phản đối. Thế thì phải xem lại “tính trung thực” của bản báo cáo, xem thử đã “lắng nghe dân” thực sự hay chưa?
Có nhiều sự việc, sự vụ làm nảy ra câu hỏi: Thực sự vấn đề đó là “dân quyết” hay “một vài người quyết”, là “lợi ích nhóm” hay “lợi ích toàn dân”...?
Thực hiện lời dạy của Bác thực sự không quá khó khăn, chẳng tốn kém gì sất. Có điều người ta có lòng nhiệt thành hay không thôi. Dù suy ra hay gom lại thì chân lý “gần dân, trọng dân, lắng nghe dân” muôn đời không sai!
Cái nguy của Đảng không phải là “thế lực thù địch” nào đó hay được nhắc tới mà đó là khi Đảng viên, cán bộ xa dân, thiếu tôn trọng dân, không lắng nghe nhân dân, tự đào hố ngăn cách với dân.
Từng có lãnh đạo rất trẻ được tin tưởng, hứa không tham nhũng, tư túi, nhưng cũng chính người đó đã “làm không như nói” – ngã ngựa vì tội trạng ấy; từng có những người “sinh ra từ dân” khi thành “quan” bỗng thay lòng đổi dạ...
Đúng 130 năm ngày sinh của Bác, gần 100 năm Người bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và hơn 80 năm Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành. Tất cả đều hướng về một mục đích: Làm cho dân giàu, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 25/01/2020
12:43, 31/08/2019
06:50, 19/05/2019
03:14, 20/02/2019
11:39, 19/05/2018
13:14, 23/05/2016