HDI lên tiếng về việc vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam?

NHÓM PHÓNG VIÊN 07/09/2020 08:00

Trong một thông cáo báo chí được cho là của HDI Global SE (HDI), HDI đã không đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào về việc không vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp đăng tải bài viết “HDI vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam”( https://enternews.vn/hdi-vi-pham-phap-luat-ve-chung-khoan-va-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-180416.html) vào ngày 31/8/2020, ngày 2/9/2020 xuất hiện một bản thông cáo báo chí (thông cáo) được cho là của HDI Global SE đã được phát đi (Theo tìm hiểu của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, thông cáo báo chí này không được đăng tải trên website: www.hdi.global).

HDI đã không đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào về việc không vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán như cáo buộc của UBCKNN

HDI đã không đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào về việc không vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán như cáo buộc của UBCKNN

Theo đó, thông cáo thừa nhận: “Vừa qua, HDI đã nhận được Công văn số 4513/UBCK-TT đề ngày 20 tháng 7 năm 2020 (“CV 4513”) và Công văn số 5106/UBCK-TT đề ngày 20 tháng 8 năm 2020 (“CV 5106”) của UBCKNN, liên quan đến các giao dịch mua cổ phần PVI từ 2018 đến nay, và yêu cầu HDI có ý kiến vào hoặc trước ngày 31 tháng 8 năm 2020”.

Tuy nhiên, dường như trong văn bản này đã cố tình đánh tráo khái niệm bởi cả hai văn bản trên của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gửi tới Công ty HDI Global SE (HDI) đều ghi là “về việc vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán” chứ không phải “liên quan đến các giao dịch mua cổ phần PVI từ 2018 đến nay”.

Theo thông cáo: “Là một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu trên thế giới, HDI khẳng định việc tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. HDI khẳng định đối với hoạt động đầu tư của HDI tại Việt Nam, trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, chúng tôi luôn xem xét và kiểm tra các quy định của pháp luật một cách chặt chẽ, để đảm bảo hoạt động đầu tư của HDI tại Việt Nam tuân thủ chặt chẽ và nghiêm túc pháp luật Việt Nam”.

Đối với tiến trình tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại PVI, thông cáo viện dẫn: “Việc tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong PVI đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của PVI, đại diện 99,94% cổ phần có quyền biểu quyết PVI thông qua, vào ngày 27 tháng 4 năm 2017. ĐHĐCĐ của PVI đã giao cho Hội đồng quản trị tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai Nghị quyết này. Thủ tục này chỉ mang tính chất kỹ thuật theo đó PVI cần điều chỉnh bỏ một số ngành nghề kinh doanh trên thực tế PVI không hoạt động (ngành cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, cổng thông tin) và điều chỉnh lại cam kết phạm vi hoạt động ngành kinh doanh bất động sản áp dụng cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định hiện hành”.

Nhưng một mặt thông cáo lại thừa nhận: “Nội dung điều chỉnh ngành nghề kinh doanh PVI vào chương trình họp ĐHĐCĐ và thông qua vấn đề này tại ĐHĐCĐ ngày 29 tháng 3 năm 2019. Hồ sơ xin tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% của PVI được nộp lên UBCKNN vào ngày 9 tháng 4 năm 2019. UBCK chấp thuận nhanh chóng việc tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong PVI vào ngày 19 tháng 4 năm 2019”.

Cách lý giải trong thông cáo rất vòng vo bởi “Việc tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong PVI đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của PVI, đại diện 99,94% cổ phần có quyền biểu quyết PVI thông qua, vào ngày 27 tháng 4 năm 2017” chỉ là kế hoạch của PVI, theo quy định của pháp luật Việt Nam, đến ngày 9 tháng 4 năm 2019 UBCKNN mới chấp thuận việc tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong PVI.

Đặc biệt, HDI không hề nhắc tới các giao dịch liên quan đến cổ phiếu PVI với Sunway.

Trong khi đó, tại Công văn số 4513/UBCK-TT của UBCKNN gửi HDI ghi rõ: Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan chức năng và các tài liệu liên quan cho thấy tính đến thời điểm 31/01/2019, HDI sở hữu tổng cộng 126.297.216 cổ phiếu PVI (sở hữu 83.711.071 cổ phiếu PVI; sở hữu 15.468.250 cổ phiếu PVI thông qua Sunway; sở hữu 27.117.895 cổ phiếu PVI thông qua Funderburk Lighthouse Ltd), chiếm 54,65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần PVI, vi phạm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/06/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Nếu “tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” như cách nói của HDI trong thông cáo, chắc chắn sẽ không có sai phạm trên.

Đặc biệt, với việc HDI vi phạm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng từ thời điểm 31/01/2019 như xác minh của cơ quan chức năng Việt Nam, câu hỏi được đặt ra ra là tính hợp pháp của ĐHĐCĐ PVI ngày 29 tháng 3 năm 2019 như thế nào? Các thành viên của HDI có đủ tư cách tham gia HĐQT và số lượng thành viên HĐQT của HDI (5 người) có đúng với quy định?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Có thể bạn quan tâm

  • HDI vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam

    HDI vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam

    04:50, 31/08/2020

  • HDI “đi đêm” với Sunway như thế nào?

    HDI “đi đêm” với Sunway như thế nào?

    05:30, 01/09/2020

  • HDI toan tính gì tại PVI?

    HDI toan tính gì tại PVI?

    07:00, 04/09/2020

  • Vì sao PVN mất quyền quản trị tại PVI?

    Vì sao PVN mất quyền quản trị tại PVI?

    07:00, 03/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HDI lên tiếng về việc vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO