Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam.
>>Câu chuyện về sản phẩm được tạo ra để cùng mọi gia đình "vượt bão"
Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định đến diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Mặt khác, việc dành sự ưu tiên khác nhau đối với các giá trị cũng quyết định đến đời sống văn hóa ứng xử và sự phát triển của mỗi gia đình.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, gia đình Việt Nam đã xây dựng, gìn giữ và phát triển một hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, duy trì được sự gắn kết các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, các giá trị của gia đình được kết tinh và trao truyền trong đời sống nhân dân, được thừa nhận bởi pháp luật và các khế ước xã hội. Các bài ca dao, tục ngữ nói về đạo hiếu, tình nghĩa vợ chồng, anh chị em, về đức hi sinh cùng với các hương ước, quy tắc ứng xử của làng xã chính là hệ thống bảo lưu các giá trị của gia đình, cộng đồng.
Bộ Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Luật Hồng Đức) tại điều thứ 2 ghi rõ bất hiếu là một trong “thập ác”. Bộ Luật có hai chương là Hôn nhân và Điền sản. Ngoài ra, Bộ Luật này cũng pháp điển hóa nhiều các giá trị khác về thừa kế, tặng cho, di chúc, bình đẳng giới, ứng xử trong gia đình...
Năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mở ra một chương mới trong lịch sử của dân tộc. Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, tại Điều thứ 9 đã khẳng định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” và Điều thứ 14 ghi rõ: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Đây là những quan điểm rất tiến bộ nhằm xác lập các giá trị về quan hệ gia đình, nam nữ bình đẳng, nghĩa vụ của các thành viên gia đình.
Tại Hội nghị thảo luận về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Hội nhập sâu rộng và nền kinh tế thị trường và quốc tế, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mặt khác, gia đình Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội. Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, Đại hội IX năm 2001 của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của gia đình đối với sự phát kinh tế xã hội, sự hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Như vậy, trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, bên cạnh những chính sách là điều kiện để xây dựng gia đình hạnh phúc thì Đảng đã khẳng định chính mỗi gia đình phải là chủ thể quan trọng nhất, gia đình không chỉ là tế bào của xã hội mà phải là tế bào lành mạnh, là tổ ấm thực sự của mỗi người.
Nhìn lại lịch sử phát triển cho thấy, từ sau Đổi mới, trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, VII và VIII đều khẳng định “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người”. Bước sang thế kỷ 21, trước tình hình văn hóa ứng xử, giá trị đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp, lệch lạc, Đảng yêu cầu phải “nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Sau 20 năm Đổi mới, quan điểm của Đảng về gia đình có những thay đổi quan trọng. Tại Đại hội XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), Đảng xác định “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Gần đây nhất trong văn kiện của đại hội XII, Đảng xác định:
“Xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình; Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Quan điểm của Đảng về gia đình nhấn mạnh hơn đến chức năng và vai trò của gia đình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, kiểm soát, duy trì các chuẩn mực xã hội và là thành tố quan trọng của nền kinh tế.
>>Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Làm đúng để trường tồn
Sự khủng hoảng của chức năng, giá trị của gia đình có mối quan hệ nhân quả với những vấn đề xã hội. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn dũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình và ngoài xã hội. Đương nhiên, sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường, nhất là sự đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, làm mất đi động lực phát triển của đất nước.
Trong vài thập niên qua, bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và thế giới có tốc độ chuyển đổi nhanh khiến gia đình Việt nam đứng trước những thay đổi chưa từng có. Chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới xuất hiện nhiều hơn và được một bộ phận xã hội chấp nhận. Sự phân hóa của gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên bình diện điều kiện kinh tế, mức sống, chi tiêu mà còn ở cả hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống, thành các nhóm, các tầng lớp với những năng lực, nhu cầu hết sức khác nhau.
Phát triển gia đình trung lưu và nâng cao vai trò của gia đình trung lưu ở Việt Nam trong các quá trình phát triển cũng là vấn đề cần được chú trọng. Hiện nay gia đình trung lưu Việt Nam là một lực lượng xã hội khá đông đảo “nhưng chưa mạnh” về nhiều mặt, kể cả tính tích cực xã hội. Đây là một vấn đề mới, có vai trò quan yếu trong chiến lược phát triển đất nước song chưa nhận được sự quan tâm thích đáng cả về mặt học thuật lẫn chính sách.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để các gia đình Việt Nam tiếp cận tài chính, kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống đa dạng, phong phú.
Các dịch vụ xã hội phát triển giúp ích cho gia đình thực thi các chức năng, vai trò đối với các thành viên và xã hội, thậm chí còn thay thế chúng. Mặt khác, như đã phân tích, việc thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình lại trở nên hết sức khó khăn, mong manh và có những thay đổi theo hướng tiêu cực. Trong khi đó, những vấn đề mới nảy sinh lại chưa được quan tâm đúng mức của Đảng và chính sách phù hợp từ Nhà nước.
Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại, tối tân, vượt bậc, nhưng những giá trị như: giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hoá gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống không gì có thể thay thế được. Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội, bảo đảm cho dòng chảy phát triển bền vững của đất nước cũng như là yếu tố đầu vào quan trọng để triển khai chính sách, thụ hưởng chính sách.
Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được đậm đà, đa dạng, bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới đưa Nghị quyết ĐH XIII vào cuộc sống.
Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. - Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. - Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau. - Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Có thể bạn quan tâm
04:00, 08/04/2021
05:00, 12/02/2021
05:00, 27/06/2020