Kế hoạch thực hiện mới sửa đổi cho sáng kiến “Chủ nghĩa Tư bản Mới” của Nhật Bản được kỳ vọng có thể tái cấu trúc lại nền kinh tế hàng đầu châu Á.
>> Kinh tế Nhật Bản tìm lại “hoàng kim”
Vào tháng 6 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã công bố phiên bản sửa đổi kế hoạch thực hiện sáng kiến “Chủ nghĩa tư bản mới” của Thủ tướng Fumio Kishida.
Phiên bản gốc năm 2022, với tiêu đề “Kế hoạch hành động và thiết kế lớn cho một hình thức chủ nghĩa tư bản mới”, đã vạch ra những mục tiêu đầy tham vọng cho Nhật Bản nhằm thu hút đầu tư vào nhân lực, khởi nghiệp, chuyển đổi xanh, kỹ thuật số, khoa học, công nghệ và đổi mới.
Đáng chú ý, những khoản đầu tư này nhằm mục đích vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết các vấn đề nóng như tình trạng trì trệ về tiền lương hay biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, bản sửa đổi mới nhất được xây dựng dựa trên kế hoạch ban đầu, nhưng đưa ra một chiến lược cụ thể hơn để tăng lương, cải thiện năng suất và đạt được chu kỳ tăng trưởng bền vững và phân phối thu nhập công bằng.
Để nâng cao năng suất, việc chuyển dịch lao động ưu tiên sang các lĩnh vực tăng trưởng là rất quan trọng. Do đó, các đề xuất cải cách thị trường lao động của ông Fumio Kishida được xem là một dấu hiệu đầy hứa hẹn.
Theo đó, chính phủ của ông sẽ tập trung vào cải thiện năng lực của các cá nhân trong việc tiếp thu kỹ năng và kiến thức mới, bằng cách cung cấp các cơ hội đào tạo lại kỹ năng, thúc đẩy chuyển đổi sang việc làm dựa trên công việc và tạo điều kiện di chuyển lao động sang các lĩnh vực tăng trưởng cao.
Vấn đề năng suất lâu nay vẫn là ưu tiên của chính phủ Nhật Bản khi tăng trưởng vẫn luôn duy trì ở mức dưới 1%. Dân số già và ngày càng suy giảm, tỷ lệ sinh thấp dẫn tới thiếu lao động buộc các công ty tư nhân phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào nguồn nhân lực, như thu hút người nước ngoài.
Nhiều cải cách được liệt kê trong bản sửa đổi kế hoạch thực hiện năm 2023, chẳng hạn như cải cách hệ thống trợ cấp thất nghiệp, đã bắt đầu được thảo luận. Các cuộc thảo luận trong Quốc hội Nhật Bản về các biện pháp ngân sách nhằm mở rộng đầu tư vào con người có thể sẽ bắt đầu muộn hơn vào năm 2023. Những biện pháp này dự kiến sẽ tăng dần cơ hội đào tạo lại kỹ năng và chuyển đổi nghề nghiệp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng vẫn cần phải thực hiện các hành động khác để đạt được mức tăng lương bền vững. Các ý kiến đóng góp cho rằng Nhật Bản nên bổ sung thêm các chương trình đào tạo lại kỹ năng cho người lao động không thường xuyên và điều chỉnh khoảng cách về lương giữa các giới.
Ở Nhật Bản, số lượng lao động không thường xuyên, bao gồm 50% lao động nữ và 20% lao động nam, đã tăng lên kể từ những năm 2000. Chính phủ được cho là nên tham gia nghiêm túc hơn vào "các chính sách thị trường lao động tích cực" giống như ở Bắc Âu, đòi hỏi phải cung cấp mạng lưới an toàn cho những người lao động không thường xuyên muốn thay đổi công việc.
>> Kinh tế Nhật Bản: Mặt trời có mọc lại?
Kế hoạch 5 năm Phát triển Khởi nghiệp có trong bản sửa đổi năm 2023 cũng nhằm mục đích khôi phục sự năng động của nền kinh tế Nhật Bản. Các chính sách trong kế hoạch đã được chuyển thành lộ trình 5 năm để phát triển khởi nghiệp. Nhiều người tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhật Bản nhận thấy rằng hỗ trợ khởi nghiệp là trọng tâm của chiến lược tăng trưởng.
Kế hoạch này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm phục hồi hoặc đóng cửa các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh cần thiết để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cải thiện năng suất từ góc độ vĩ mô. Theo các chuyên gia, động thái này là cần thiết khi tác động của SMEs đối với nền kinh tế Nhật Bản là không chắc chắn, một phần được cho là do thái độ chính trị thờ ơ đối với cộng đồng này.
Để tăng thu nhập hộ gia đình Nhật Bản, bản sửa đổi của Tokyo còn bao gồm Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập dựa trên tài sản. Kế hoạch này nhằm mục đích khuyến khích đa dạng hóa tài sản tài chính của hộ gia đình khỏi việc tập trung vào tiền gửi và đầu tư. Mục tiêu là để các hộ gia đình được hưởng lợi từ sự phát triển của các công ty Nhật Bản, không chỉ với tư cách là nhân viên mà còn với tư cách là cổ đông, từ đó tăng thu nhập của họ.
Các ưu đãi thuế đột phá đã được công bố nhằm khuyến khích các cá nhân xây dựng tài sản tài chính dài hạn. Nhưng theo các chuyên gia phân tích, để thực sự hiện thực hóa những mục tiêu này, Nhật Bản phải cải thiện hiệu quả đầu tư của các tổ chức quản lý tài sản và giá trị doanh nghiệp lâu dài của các công ty Nhật Bản.
Trong bối cảnh các cường quốc mới nổi đang tích cực chuyển mình, Nhật Bản đã bắt đầu cho thấy tham vọng thay đổi để phát huy các động lực tăng trưởng mới. Bằng việc cải thiện nguồn nhân lực, huy động hiệu quả nguồn lực của các công ty tư nhân, đồng thời định hình lại môi trường chính sách, Thủ tướng Kishida kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của Nhật Bản trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Ai giúp Nhật Bản thoát phụ thuộc đất hiếm Trung Quốc?
03:00, 17/08/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản "nhảy vọt"
02:09, 10/08/2023
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
14:41, 09/08/2023
Doanh nghiệp Nhật Bản cần gì để đầu tư tại Đà Nẵng?
12:28, 18/07/2023
Xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản có nhiều tín hiệu tích cực
11:57, 06/07/2023
Việt Nam - Nhật Bản ký kết thoả thuận vay vốn gần 61 tỷ Yên
12:00, 04/07/2023