Khoáng sản chiếm trung bình 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi và khoảng 28% GDP của châu lục này.
Khi Bắc Kinh chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) năm 2024, có rất nhiều mong đợi về những gì hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại.
Được thành lập vào năm 2000, FOCAC đã phát triển thành một khuôn khổ quan trọng cho đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi.
FOCAC là trung tâm trong mối quan hệ của Trung Quốc với châu Phi, đặc biệt trong việc đưa ra các cam kết phát triển trải dài trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Các cam kết này thường xoay quanh các lĩnh vực ưu tiên theo chủ đề, như y tế, phát triển nông nghiệp, thương mại và đầu tư, hợp tác công nghiệp, cơ sở hạ tầng, phát triển xanh, trao đổi nhân dân và hòa bình - an ninh.
Trong khi các lĩnh vực hợp tác cốt lõi như nông nghiệp, thương mại, hợp tác công nghiệp và cơ sở hạ tầng vẫn nhất quán trong nhiều năm qua, FOCAC cũng đã thích ứng với các thách thức toàn cầu mới nổi. Tuy nhiên, một lĩnh vực quan trọng vẫn chưa được đề cập đến nhiều: khai thác mỏ và khoáng sản quan trọng.
Khoáng sản chiếm trung bình 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi và khoảng 28% GDP của châu lục này. Gần 90% hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi bao gồm quặng, đá, kim loại và các khoáng sản khác.
Đáng chú ý, ngành khai khoáng là nguồn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại châu Phi. Khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong FDI của Trung Quốc tại châu lục này với 23,8%, chỉ đứng sau ngành xây dựng.
Châu Phi nắm giữ khoảng 30% tài nguyên khoáng sản toàn cầu, nhiều trong số đó là khoáng sản quan trọng, thành phần thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, quốc phòng và các ứng dụng công nghệ cao khác.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán rằng nhu cầu toàn cầu về các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong các công nghệ năng lượng sạch như lithium, đồng, coban và niken cho pin sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Do đó, việc khai thác các khoáng sản quan trọng mang đến một cơ hội tốt cho tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa trên lục địa, cũng như cho lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc khi quốc gia này đang đầu tư mạnh vào việc bảo đảm các nguồn tài nguyên cho các ngành công nghiệp trong nước.
Hiện nay, Trung Quốc nắm giữ vị trí thống lĩnh trong nhiều chuỗi giá trị khoáng sản quan trọng, bao gồm các nguyên tố đất hiếm, đồng, than chì và lithium.
Quốc gia này cũng có lợi thế đáng kể trong việc chế biến khoáng sản và sản xuất hạ nguồn. Ví dụ, trong ngành công nghiệp xe điện (EV), mặc dù Australia dẫn đầu về sản xuất lithium, Indonesia về nickel, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) về cobalt, nhưng Trung Quốc kiểm soát hơn một nửa quá trình chế biến các khoáng sản này.
Ở giai đoạn hạ nguồn, Trung Quốc sản xuất 3/4 tổng số pin lithium-ion và sản xuất hơn một nửa số xe điện trên thế giới.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tất cả các bên đều để mắt đến các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Châu Phi. EU đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với bốn quốc gia Châu Phi (Namibia, DRC, Zambia và Rwanda) để tăng cường quan hệ đối tác cho các chuỗi giá trị nguyên liệu thô quan trọng.
Trong khi đó, Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ ba bên với DRC và Zambia để hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng cho pin EV. Cả EU và Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ phát triển Hành lang Lobito, nối Cảng Lobito ở Angola với các khu vực khai thác ở DRC và Zambia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các khoáng sản quan trọng đến các thị trường ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, theo bà Yixin Yu, nhà phân tích tại tổ chức Development Reimagined, các biên bản ghi nhớ này vẫn chưa được chuyển thành các mục tiêu đầu tư cụ thể hoặc các hành động tài trợ thực tế.
Về mặt hợp đồng, Trung Quốc đã hành động nhanh hơn vì cách tiếp cận của họ có xu hướng tập trung nhiều hơn vào đầu ra. Chỉ riêng trong năm 2021 và 2022, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để mua lại các dự án lithium ở Zimbabwe. Trong lĩnh vực coban và đồng, Trung Quốc cũng sở hữu cổ phần đáng kể trong các mỏ ở DRC.
"Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia này không chỉ dừng lại ở việc khai thác mà còn bao gồm cả việc tăng đầu tư vào chế biến khoáng sản", chuyên gia này cho biết.
Khi nhu cầu và sự cạnh tranh toàn cầu đối với các khoáng sản quan trọng ngày càng gia tăng, mối quan hệ khoáng sản giữa châu Phi và Trung Quốc có khả năng sẽ trở nên gắn bó hơn nữa. Trong khi Trung Quốc tìm kiếm các nguồn tài nguyên và thị trường của châu Phi, châu Phi cũng cần đến chuyên môn, công nghệ và nguồn nhân lực của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, bà Yu cho rằng, các quốc gia châu Phi phải chủ động khẳng định lợi ích của mình để đảm bảo các điều khoản công bằng, tối đa hóa lợi ích cho nền kinh tế và công dân của họ. Các biện pháp như áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, yêu cầu đầu tư vào giá trị gia tăng tại địa phương và đàm phán lại các hợp đồng khai thác là những bước đi đúng hướng.
Đồng thời, để đảm bảo quan hệ đối tác công bằng hơn, các quốc gia châu Phi phải áp dụng một cách tiếp cận thống nhất để đảm bảo các ưu tiên phát triển của họ.
FOCAC là một nền tảng lý tưởng để các quốc gia châu Phi lên tiếng về các yêu cầu chung của họ và đảm bảo cam kết của Trung Quốc đối với các chương trình nghị sự chính, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện sự phù hợp với các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
Vẫn chưa biết liệu hội nghị thượng đỉnh FOCAC sắp tới có chính thức đưa hợp tác khoáng sản quan trọng vào chương trình nghị sự hay không. Các quốc gia châu Phi cần có nhiều cuộc đối thoại hơn để đảm bảo rằng quan hệ đối tác này vẫn công bằng và ứng phó được với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.