Việc sửa đổi khái niệm về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi không chỉ làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN, mà còn làm tăng áp lực nợ công...
Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, DNNN là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Kéo lùi doanh nghiệp đại chúng
Việc thay đổi khái niệm về DNNN, cụ thể là mở rộng nội hàm DNNN với tất cả các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn sẽ khiến số lượng DNNN đông hơn, hoặc ít nhất gần bằng thời kỳ tiền cổ phần hóa DNNN. Cùng với đó là thay đổi bản chất hoạt động của một số doanh nghiệp đã thoát bóng DNNN và lên đời đại chúng.
Chẳng hạn CTCP Viễn Thông FPT (FPT Telecom, UPCoM: FOX) đã được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2005 và niêm yết tại UPCoM.
Tuy nhiên, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn đang án ngữ tại đây với hơn 50% cổ phần sở hữu, và không hề có ý định bán ra khi đã được Nhà nước phê duyệt nắm giữ dài hạn. Nay nếu dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi được thông qua và có hiệu lực, FPT Telecom sẽ trở lại là DNNN như trước đây. Theo đó, tham vọng của FPT nhằm tăng sở hữu tại doanh nghiệp này theo tinh thần Luật Viễn thông hiện hành không yêu cầu Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp viễn thông, sẽ càng khó trở thành hiện thực.
FPT Telecom hiện đang là doanh nghiệp tăng trưởng khá nhanh. Song từ doanh nghiệp đại chúng được trở về DNNN, không ai nói trước doanh nghiệp này có tránh được tác động về mô hình quản trị, thậm chí sức ỳ trong thay đổi quản trị hay không. Không chỉ FPT Telecom, mà hiện có rất nhiều doanh nghiệp mà sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn còn nắm giữ hơn 50% vốn ở những lĩnh vực không cần chi phối.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 16/10/2019
15:35, 25/09/2019
00:00, 25/08/2019
Trách nhiệm với nợ công
Một yếu tố khác cần cân nhắc khi thay đổi khái niệm DNNN theo hướng nói trên là khả năng nợ công sẽ cao hơn.
Chính phủ đã siết chặt việc bảo lãnh DNNN vay vốn, đặc biệt vay vốn nước ngoài để đầu tư, kinh doanh, và nợ công cũng được tách bạch các khoản mục không bao gồm Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, không ít DNNN vẫn được nhà đầu tư “ưu đãi vô hình” với tư duy cho vay thông qua các hình thức tham gia mua trái phiếu phát hành của doanh nghiệp một cách dễ dàng, nếu được xác định là DNNN.
Cùng với đó, nhiều tổ chức/định chế quốc tế trong những thống kê vẫn gộp nợ công của Việt Nam bao gồm nợ của các DNNN mà Chính phủ không bảo lãnh, đẩy tỷ lệ nợ công lên mức cao hơn nhiều lần so với thực tế.
Ở khía cạnh khác, một Luật sư, Trọng tài viên của một Trung tâm Trọng tài thương mại lấy ví dụ: Giả định, một doanh nghiệp mang danh DNNN có khoản nợ vay quốc tế không trả được. Khi đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp đó nếu bị kiện ra xét xử tại trọng tài quốc tế. Nếu Tòa án quốc tế nhận được phán quyết của trọng tài thương mại, sẽ có thể “cấm vận” đối với một số hoạt động từ phía Việt Nam cho đến khi Việt Nam trả hết khoản nợ đó. Do đó, định danh DNNN không chỉ cần có sự thận trọng nhất định và phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, mà còn phải tiệm cận và sát chuẩn mực quốc tế.