Sự bùng nổ về khách du lịch đã kéo theo phong trào kinh doanh homestay trở nên phát triển rầm rộ.
Không phủ nhận dịch vụ homestay ở Hội An đã tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa ở Hội An. Nhưng những năm gần đây, homestay đã bị chệch hướng, không còn giữ nền tảng văn hóa truyền thống của người dân Hội An, không cùng ăn cùng ở với dân mà đang thiên về thương mại hóa.
Mai một giá trị homestay
Với homestay đúng nghĩa, điều quan trọng nhất là khi ở với người dân, du khách phải được cùng trải nghiệm văn hóa bản địa, người dân phải cho du khách thấy được giá trị cuộc sống, truyền thống bản địa mà du khách mong muốn được xem như ăn uống thế nào, đi chợ làm sao, cuộc sống như thế nào...
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của lượng du khách thời gian gần đây, không ít nông dân “bỏ ruộng” đứng lên tham gia làm du lịch, homestay. Nhưng do chuyên môn không có nên họ thường làm một cách tự phát, không tham khảo mô hình chuẩn nên xác suất thành công vì thế không cao, dẫn đến thua lỗ.
Hội An từng có 2 homestay đạt chuẩn homestay Đông Nam Á nhưng hiện nay thì không còn nữa.
Thực tế, cuộc đua phát triển homestay đang nảy sinh không ít bất cập. Nhiều chủ nhân các homestay tại Hội An bức xúc cho biết, hoạt động kinh doanh homestay rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở" như hiện nay là do sự cấp phép kinh doanh homestay đơn giản hóa, dẫn đến hiện tượng bùng nổ các homestay mới đưa vào hoạt động, bán phá giá để cạnh tranh hút khách.
Ông Võ Quang Cử, homestay Cẩm Thanh Village – Villa cho rằng, việc quá tải homestay như hiện nay đã khiến cho việc tìm kiếm nguồn khách trở nên khó khăn hơn. “Các homestay hoạt động thiếu sự liên kết với nhau dẫn đến việc mạnh ai nấy làm, không quan tâm đến chất lượng dịch vụ đã làm mất điểm trong mắt du khách. Cần có sợi dây liên kết để cùng nhau phát triển nếu không e rằng những người mới kinh doanh loại hình dịch vụ này sẽ chết yểu” - ông Cử chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
07:53, 10/08/2019
06:00, 05/08/2019
14:30, 24/07/2019
16:10, 10/07/2019
Hệ quả của buông lỏng quản lý
Ông Nguyễn Văn Sơn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: “Trước đây, Hội An có quy định chặt về việc cấp phép, diện tích mở villa phải đủ 250m2 nhưng nay phải điều chỉnh để phù hợp với luật. Vì Hội An không cấp villa dưới 250m2, nhiều chủ cơ sở chạy lên tỉnh, rồi có thông tin chạy gần 200 triệu đồng/giấy phép. Hội An không cấp thì phía trên tỉnh Quảng Nam cũng cấp. Vì những sửa đổi của Tổng cục du lịch về việc ban hành tiêu chuẩn Tiêu chuẩn quốc gia về phòng cho khách thuê, homestay ở thành phố hiện nay giống như nhà trọ vậy. Nếu không cho mở thì họ kêu khó, giờ mở toang thì họ lại than lỗ, thành phố không đủ sức để quản lý hoạt động của homestay”.
Theo thống kê, vào cuối năm 2018, Hội An chỉ có 151 homestay với khoảng 500 phòng. Nhưng chỉ sau nửa năm, con số này đã lên tới hơn 300 homestay với trên 1.200 phòng. Ngoài ra, còn hàng trăm homestay khác đã được cấp giấy phép nhưng chưa đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hội An cho biết, thời gian vừa qua, thành phố đã có nhiều chủ trương về việc giảng dạy chuyên môn kinh doanh homestay cho các hộ kinh doanh, nhưng phần lớn các hộ không tham gia học tập.
“Homestay không chỉ là ăn và ở, không có trải nghiệm thì không thể gọi là homestay. Cần có cơ chế quản lý, quy định riêng về loại hình homestay nếu như muốn phát triển bền vững loại hình này” - ông Lanh đề xuất.
=>> Kỳ II: Liệu có “vỡ trận”