Hệ lụy từ thủy điện nhỏ

THANH BÌNH 20/12/2022 03:14

Việc phát triển quá nóng, quy hoạch nhiều thủy điện vừa và nhỏ gây tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống xã hội.

>>Tạm dừng triển khai thủy điện nhỏ: Cần được pháp lý hoá!

Ngày 18/12, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã có văn bản gửi ra Bộ Công Thương đề nghị loại bỏ 4 thủy điện khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Các thủy điện bị đề nghị loại bỏ gồm: Đăk Ruồi 1 (công suất 7MW), Đăk Man (công suất 6MW), Đăk Brot (công suất 2MW, cùng có vị trí tại huyện Đăk Glei) và Sông Tranh 1 (công suất 4,5MW, tại huyện Tu Mơ Rông).

Kon Tum tạm dừng đối với các dự án thuỷ điện nhỏ đã có trong quy hoạch . Ảnh minh hoạ:TTXVN

Kon Tum tạm dừng đối với các dự án thuỷ điện nhỏ đã có trong quy hoạch . Ảnh minh hoạ:TTXVN

Hiện tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 870MW. Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã rà soát, xác định các dự án này tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến diện tích rừng tự nhiên, công tác tái định cư chưa đảm bảo.  Đặc biệt, tại dự án thủy điện Đăk Brot, chủ đầu tư không tập trung xây dựng triển khai dự án mà lại lợi dụng khai thác vàng, gây mất an ninh trật tự. 

Không chỉ 4 dự án thủy điện nói trên mà dự án thủy điện Đăk Bla 3 ở gần khu vực làng du lịch cộng đồng Kon K’tu và làng Kon Jơ Ri, TP Kon Tum cũng từng gây xôn xao dư luận.

Tại huyện Đăk Hà, chỉ riêng đoạn ngắn dòng sông Đăk Psi đã oằn mình gánh trên lưng hơn 10 thủy điện lớn nhỏ. Nhiều năm qua, câu chuyện người dân và chính quyền địa phương khiếu kiện kéo dài, yêu cầu các chủ thủy điện bồi thường, hỗ trợ khi làm ngập hoa màu, cây cối… vẫn chưa chấm dứt.   

Không phủ nhận các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.

Trong đó, đầu tư thủy điện vừa và nhỏ như có thời điểm được ví như “gà đẻ trứng vàng” khi doanh nghiệp lãi lớn, địa phương thu được thuế, nên không ít các tỉnh vẫn  xin bổ sung quy hoạch thủy điện.

Thế nhưng, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.

Con sông Đắk Bla thơ mộng và có vai trò quan trọng của TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng nếu xây dựng thủy điện Đắk Bla 3

Con sông Đắk Bla thơ mộng và có vai trò quan trọng của TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng nếu xây dựng thủy điện Đắk Bla 3. Ảnh: Môi trường đô thị

>>ĐBQH Dương Trung Quốc: Các công trình thủy điện nhỏ sẽ rất nguy hại khi hết khấu hao

>>Thuỷ điện nhỏ và bài toán kinh tế - môi trường

>>Bộ Công Thương loại bỏ 471 dự án thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch

Thực tế vài năm trở lại đây, người dân phản đối quyết liệt câu chuyện xây dựng đập thủy điện nhỏ và vừa. Bởi đã có nhiều bài học mùa khô bà con  thiếu  nước sản xuất,  mưa về thủy điện xả lũ gây lụt lội, chết người..

Qua nhiều sự việc đau lòng tại miền Trung liên quan đến lũ lụt, ít nhiều đều liên quan đến các thủy điện nhỏ, đã đến lúc cần có sự đánh giá lại một cách toàn diện hiệu quả của việc đầu tư cũng như các mặt lợi - hại của thủy điện nhỏ. Trong khi hiệu quả dự án chưa được làm rõ thì hằng năm, các sự cố liên quan đến thủy điện ngày càng nhiều và gây dư luận trái chiều. Sự bức xúc của người dân vì thế tăng lên.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình cứ mỗi 1MW thủy điện nhỏ và vừa chiếm tới 7,4ha đất, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Rừng mất thì lũ lụt càng tác oai tác quái, cũng có nghĩa là thiên tai liên quan mật thiết đến nhân tai. Với hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa (công suất từ 5-90 MW) tập trung từ Bắc vào Nam, trong đó miền Trung và Tây nguyên chiếm tỷ lệ nhiều nhất thì tác động sẽ rất lớn.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan đến tài nguyên, môi trường là cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp để trả lời cho người dân bằng thực tiễn. Có phải vì rừng mất đi nhiều và thủy điện nở rộ, trồng rừng thiếu khoa học… đã là nguyên nhân dẫn đến của thiên tai bất thường, gây hậu quả kinh hoàng hiện nay?

Từ câu chuyện của Kon Tum, đã đến lúc Nhà nước nên có những quy định rõ ràng hơn, quyết liệt siết chặt trong quản lý. Không nên để các tỉnh giao cho các công ty tư nhân làm và tự thẩm tra như hiện nay. Đặc biệt, không nên phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ khi không cần thiết mà cần có những chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ lưu cũng như những khu dân cư xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ (Kỳ IV): Địa phương đề nghị chủ đầu tư trả lại "đất sạch"

    03:00, 13/12/2022

  • Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ (Kỳ III): Ai đã “bật đèn xanh”?

    00:06, 10/12/2022

  • Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

    03:00, 06/12/2022

  • Loay hoay xử lý rác thải trên lòng hồ thuỷ điện ở Nghệ An

    02:30, 19/10/2022

  • Nghệ An: Những “bãi rác nổi” trên lòng hồ thuỷ điện

    00:30, 18/10/2022

  • Nhiều công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ở Nghệ An, Hà Tĩnh xả lũ

    09:33, 01/10/2022

  • Quảng Nam tăng cường công tác kiểm tra các dự án thủy điện

    11:25, 22/08/2022

  • Lai Châu: Gỡ khó cho nhà đầu tư lĩnh vực thủy điện

    22:25, 12/08/2022

  • Thanh Hóa: Dự án thủy điện sau 12 năm vẫn “đắp chiếu”

    10:08, 11/08/2022

  • Sau 5 tháng hòa lưới điện quốc gia, Thủy điện Đăk Mi chính thức đi vào hoạt động

    09:04, 16/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hệ lụy từ thủy điện nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO