Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trong khởi nghiệp cũng như trong hoạt động đầu tư kinh doanh, vai trò của Mentoring là rất quan trọng trong việc định hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của bản thân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, mô hình này đã áp dụng thành công và tạo nên nét văn hóa riêng của công ty CP sài gòn food. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn xung quanh vấn đề này.
* Bà có thể cho biết trong hệ sinh thái Mentoring, sự kết hợp của các Mentor - Mentee có ý nghĩa như thế nào?
- Mentoring (tạm dịch là cố vấn) là một hình thức đào tạo “sinh sau đẻ muộn” so với Training (huấn luyện) hay Coaching (kèm cặp). Mentoring không mới trong những tập đoàn lớn trên thế giới như Facebook hay Intel... Tại Việt Nam, cộng đồng Mentoring lớn nhất được biết đến là SME 1:1 với hơn 9.000 quan sát viên và 60 cặp Mentor (người cố vấn) - Mentee (người được cố vấn) duy trì đều đặn hằng năm. Tại Sài Gòn Food, sau những thử nghiệm ban đầu, đã tạo ra những giá trị gắn kết đặc biệt cho các thành viên trong công ty.
Mentee - trong hệ sinh thái Mentoring - là người được cố vấn, người được “thụ hưởng” chính. Mentee tại Sài Gòn Food là đội ngũ cán bộ nhân viên trẻ tiềm năng, mới được đề bạt hoặc được quy hoạch cho các vị trí quản lý. Họ còn non kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, nhiều bạn còn chưa rõ ràng về mục tiêu phát triển nghề nghiệp, mục tiêu cuộc đời. Khi tham gia Mentoring, họ được “ghép đôi” với một Mentor - người cố vấn nhiều kinh nghiệm và gặp gỡ người này trong khung thời gian của chương trình, thường là từ 6 tháng đến một năm tùy hệ chương trình, với mỗi tháng có tối thiểu là một lần gặp gỡ. Mục tiêu của chương trình là giúp cho các Mentee chủ động hơn trong mọi việc, từ thiết lập cuộc hẹn, tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, suy nghĩ và đề xuất những vấn đề muốn được cố vấn, xác lập các mục tiêu cá nhân ngắn hạn và dài hạn.
* Từ các cuộc “ghép đôi” như thế, các Mentee học được gì từ các Mentor?
- Từ những buổi nói chuyện “riêng tư” giữa hai con người ở hai độ tuổi khác nhau, hai lĩnh vực chuyên môn khác nhau và hai cấp bậc khác nhau, các Mentee có cơ hội nhìn lại bản thân, xem xét vấn đề và tự đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề của chính mình qua sự dẫn dắt khéo léo bởi những câu hỏi khơi mở của người cố vấn. Một số Mentee đã thú thật: “Nếu không có Mentoring và các lãnh đạo không phải là Mentor thì các anh chị ấy mãi chỉ là lãnh đạo, là thần tượng để chúng tôi đứng từ xa ngưỡng mộ, mỗi lần đến gần là run rẩy không nói nên lời”. Và nếu không được cố vấn, có lẽ, họ vẫn còn lẩn quẩn với những công việc sự vụ hằng ngày, không dám thoát khỏi vùng an toàn, không dám thử sức với những điều mới mẻ, không học hỏi một cách có định hướng...
* Như vậy, sau một thời gian triển khai hệ sinh thái Mentoring ở Sài Gòn Food, kết quả đạt được là gì, thưa bà?
- Sau hai năm triển khai, những “quả ngọt” đầu tiên cho Sài Gòn Food là bốn mùa Mentoring đã và đang thực hiện với hơn 80 cán bộ, nhân viên tiềm năng đã được “cố vấn” bởi đội ngũ quản lý, lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong công ty. Trong số đó, 50% đã được thăng chức, giữ những vị trí quản lý 30% đủ năng lực trở thành Mentor cho những chương trình tiếp theo và số còn lại được nhận xét là phát triển bản thân vượt bậc qua các kỳ đánh giá năng lực và kỹ năng dành cho cán bộ, nhân viên toàn công ty.
* Nói gì thì nói, vai trò các Mentor rất quan trọng để đảm bảo các Mentee không bỡ ngỡ, các dự án khởi nghiệp hạn chế sai sót, các doanh nghiệp có hướng phát triển đúng đắn... Bà nghĩ sao về những người “truyền lửa” này?
- Mục tiêu ban đầu của Sài Gòn Food khi triển khai Mentoring là đào tạo và xây dựng nền tảng vững chắc cho đội ngũ kế thừa bằng cách tạo môi trường thuận lợi để bạn trẻ học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm trực tiếp từ người lãnh đạo của công ty, cũng chính là Mentor của chương trình.
Sau hai năm nhìn lại, kết quả vượt mong đợi, bởi lẽ chính các Mentor nhận thấy bản thân họ cũng là người “được lợi”. Họ có góc nhìn rộng hơn về công việc và cuộc sống theo lăng kính của người trẻ. Họ thấu cảm những khó khăn, những lo toan của người chập chững làm công tác quản lý, từ đó có những chia sẻ, động viên kịp thời bằng lối truyền đạt gần gũi như hai người bạn, chứ không phải trong tư cách của một người lãnh đạo.
Qua những câu chuyện thành công hay thất bại mà bản thân trải qua, Mentor đã thành công khi truyền ngọn lửa nhiệt huyết của mình cho thế hệ tương lai, giúp cho Mentee tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào công ty. Từ đó, những cống hiến của họ có giá trị hơn, lâu bền hơn và hướng đến mục tiêu rõ ràng hơn. Kỹ năng dẫn dắt bằng những câu hỏi giúp Mentor gần gũi thân thiện, tạo điều kiện cho nhân viên phát huy tính sáng tạo, chủ động hơn trong công việc. Tính đến thời điểm hiện tại, Sài Gòn Food đã có hơn 30 cán bộ quản lý đăng ký làm Mentor và đội ngũ ấy không ngừng phát triển theo số lượng Mentee trưởng thành.
* Trong thực tế, các Mentor ngoài công ty cũng có nhiều kinh nghiệm. Bà có nghĩ sẽ sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các Mentor “ngoại”?
- Với ba mùa Mentoring trước, Sài Gòn Food “đóng cửa dạy nhau”, nghĩa là cả Mentor và Mentee đều là người nội bộ. Nhưng từ tháng 9/2019, đứng trước số lượng Mentee đăng ký tăng gấp đôi các năm trước trong khi nguồn lực Mentor giới hạn, Sài Gòn Food đã mở lời và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các doanh nhân thành viên của Hội nữ doanh nhân TP.HCM, Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam và một số lãnh đạo của các doanh nghiệp đối tác. Vì vậy, mùa Mentoring tại Sài Gòn Food sắp tới có hơn 20 chuyên gia, doanh nhân thành đạt nhận lời làm Mentor cho chương trình.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, các Mentor “ngoại” đã rất thẳng thắn đặt câu hỏi, Sài Gòn Food có lo ngại những chia sẻ của Mentee ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của doanh nghiệp hay lo ngại mất đi người giỏi? Nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra nhưng Sài Gòn Food luôn có niềm tin vào Mentee của mình. Đó là cách mà công ty muốn tạo điều kiện cho những nhân tố tiềm năng được học hỏi nhiều hơn từ thế giới bên ngoài.
Hơn thế nữa, Sài Gòn Food luôn mong muốn nhân rộng mô hình đào tạo hiệu quả này đến cộng đồng doanh nghiệp để một ngày không xa, hệ sinh thái Mentoring doanh nghiệp Việt Nam được hình thành, việc trao đổi Mentor - Mentee trở nên dễ dàng hơn để tăng cơ hội học tập cho đội ngũ lãnh đạo tương lai, xây dựng tinh thần Win - Win cùng nhau chiến thắng cho doanh nghiệp Việt tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Nếu tự đào tạo, Sài Gòn Food và mỗi doanh nghiệp khác chỉ quanh quẩn trong cái hồ của chính mình, không thể tiếp nhận cái mới, còn khi trao đổi nhân lực thông qua Mentoring, mỗi doanh nghiệp sẽ trở thành dòng sông và tất cả cùng chảy, cùng cho đi những điều tốt đẹp.
* Cám ơn bà đã chia sẻ.