Hàng chục dự án điện gió với tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, được xây dựng ở nhiều xã tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Việc ồ ạt thi công các dự án điện gió tại Quảng Trị khi chưa có đánh giá tổng thể về tác động môi trường đã và đang đặt ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.
Ồ ạt xây dựng dự án điện gió
Khoảng 10 năm trở lại đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã cho phép, một số đơn vị lắp đặt trạm đo gió tại huyện vùng cao Hướng Hóa, với kết quả khả quan khi xác định vận tốc gió trung bình năm từ 6 - 7 m/s và hầu như gió thổi quanh năm. Quảng Trị đã trở thành một trong những địa phương ở khu vực miền Trung, được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 vào năm 2015.
Năm 2015, tỉnh này đồng ý cho thực hiện dự án điện gió đầu tiên là Hướng Linh 2, ở xã Hướng Linh. Dự án có công suất 30MW, tổng kinh phí 1.420 tỉ đồng, đóng điện năm 2017. Từ đó đến nay, huyện vùng cao này đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.177 MW, nguồn vốn đầu tư lên đến vài ngàn tỉ đồng cho mỗi dự án.
Nhìn vào số tiền đầu tư dự án có thể thấy tỉnh đã rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư. Lãnh đạo ở các sở ngành tỉnh Quảng Trị đã tính toán, mỗi cột thu gió nộp về cho tỉnh trên dưới 3 tỉ đồng mỗi năm. Mỗi dự án điện gió có hàng chục cột và cả tỉnh có đến 31 dự án… Một con số trong mơ trong hoàn cảnh thực tế thu ngân sách đạt thấp. Chỉ tính thu ngân sách năm 2020, Quảng Trị đạt hơn 3.500 tỉ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ông Hà Sĩ Đồng cho biết, địa phương đang nỗ lực biến những bất lợi thành có lợi. Những chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, đã được ban hành với mục đích ưu tiên năng lượng tái tạo, như điện gió. Tỉnh đã rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư... còn nhà đầu tư cũng làm thật, làm đúng cam kết.
Trong một phát biểu mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định rằng, sẽ không đánh đổi môi trường lấy dự án, lấy kinh tế. Nhưng nhìn vào thực tế, hàng chục dự án điện gió thu hồi đất lâm nghiệp và rừng để thi công dự án khiến nhiều người băn khoăn lo ngại.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa cho biết, có 11 dự án điện gió đã chuyển đổi mục đích sử dụng, dù rừng được chuyển đổi chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng trồng.
Ông Võ Đình Tiến, Trưởng phòng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa khẳng định: Vai trò của rừng là rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sạt lở đất. Diện tích rừng bị giảm là rất tiếc.
Theo ông Tiến, đã có hơn 70ha đất lâm nghiệp và đất rừng do Ban quản lý đã được chuyển đổi. Cụ thể, có 50,7ha rừng trồng và 19,87ha đất trống được thu hồi, phục vụ 6 dự án điện gió. Nhìn từ danh mục các dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thì thấy rằng, dường như các nhà đầu tư đang “xé nhỏ dự án” để “lách luật”. Nhiều nhà máy điện gió trùng tên, có chăng chỉ khác số tự nhiên ở cuối mà thôi. Như nhà máy điện gió Hướng Linh có đến 8 nhà máy; các nhà máy điện gió Hướng Phùng, Gelex cũng có đến 3 nhà máy cùng tên…
Có thể bạn quan tâm