Nắng nóng là nỗi ám ảnh với công nhân KCN Cái Lân (TP.Hạ Long). Sau ngày làm việc trong điều kiện không hề dễ chịu: Nóng, bụi, tiếng ồn, họ trở về phòng trọ trong điều kiện chẳng khá hơn là bao.
>>Quảng Ninh: Thất vọng cảng Cái Lân
Những ngày đầu tháng 6/2022, Hạ Long hứng đợt nóng gay gắt. Dãy phòng trọ tổ 1, khu 10 phường Bãi Cháy, vắng vẻ, trầm lắng với nhiều căn phòng lụp sụp, cũ nát.
Mặc dù đã là cuối giờ chiều nhưng căn phòng trọ rộng khoảng 20m2 của vợ chồng chị Hoàng Thị Quyền, công nhân công ty Sợi hóa học, quê Quảng Yên vẫn vô cùng ngột ngạt, cảm giác như giữa trưa nắng. “Nhà ở đây họ xây mỏng, mái lại lợp tôn, kể cá những căn mái đổ bê tông nhưng vào đợt nắng gay gắt này thì đều rất nóng. Công nhân thì có mấy ai đủ điều kiện mua điều hòa đâu, ở mãi rồi cũng thành quen. Thu nhập như thế này, chuyện nhà cửa chỉ là giấc mơ thôi em ơi!”, chị Quyền nói.
>>Quảng Ninh: Cảng Cái Lân “rơi vào ngõ cụt”
>>Đề xuất 500 tỷ đồng nâng cấp Cảng Cái Lân - Quảng Ninh
Rời quê từ Quảng Yên xuống khu công nghiệp Cái Lân làm việc được gần 20 năm, cũng là 20 năm gia đình của chị “đóng đô” trong những căn phòng trọ như này.
Không thể hình dung, giữa thành phố di sản đáng sống này lại hiện hữu những hình ảnh đầy thiếu thốn như vậy. Với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng sau khi chi trả mọi chi phí sinh hoạt từ tiền nhà, điện, nước, tiền ăn… vợ chồng chị luôn tiết kiệm tối đa, nhưng cũng chỉ gửi được chút tiền về quê cho ông bà chăm con, chứ chẳng dám mơ mộng có thể mua được ngôi nhà khang trạng, tiện nghi. Vật chất thiếu thốn là vậy, song sinh hoạt tinh thần cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Không có các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí.
Đây, cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đang thuê trọ. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư và đến một lúc nào đó cái sự không có “cư” để “ an” khiến người ta dễ nản lòng. Thực tế đã có nhiều khu công nghiệp cứ sau mỗi dịp lễ tết lại thiếu hụt quân số lao động do công nhân bỏ về quê khiến doanh nghiệp phải ngược xuôi tìm nguồn thay thế vô cùng vất vả, tốn kém cùng với nỗi lo nơm nớp những công nhân rồi sẽ ra đi.
Quảng Ninh còn khoảng 9.000 công nhân đang làm việc trong các mỏ than không có nhà ở ổn định; khoảng 15.400 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) không có nhà ở. Lực lượng lao động thời vụ, lao động tự do, tạm trú… có khoảng 26.000 người đang phải thuê mướn nhà trọ, tá túc… rất cần căn nhà nhỏ của riêng mình để “an cư lập nghiệp” lâu dài.
Để giải quyết thực trạng trên, mới đây tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn xây dựng Đề án nhà ở cho công nhân. Trên cơ sở đánh giá thực trạng nhà ở, quỹ đất xây dựng nhà ở, dự báo nhu cầu nhà ở đến năm 2025, Đề án phát triển nhà ở cho công nhân mỏ, lao động trong các KCN đặt mục tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc sinh sống tại Quảng Ninh. Đề án xác định mục tiêu trọng tâm hỗ trợ, giải quyết căn bản nhu cầu của người công nhân, lao động đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở cho công nhân mỏ, lao động trong KCN, nhu cầu còn lại sẽ đáp ứng trong giai đoạn 2026-2030; từng bước đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thu nhập thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: “Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân mỏ; công nhân lao động trong các KCN”.
Với quan điểm phải đảm bảo chi phí phù hợp nhất cùng điều kiện đi lại thuận lợi, nhằm giúp người lao động tiếp cận dễ dàng với quỹ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, cũng như thu hút đầu tư, ông Nguyễn Tường Văn yêu cầu Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp về quỹ đất, quy hoạch cho phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong Đề án cũng cần phân tích các giải pháp trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư cũng là nhiệm vụ được ưu tiên. Qua đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp vốn tạo ra quỹ nhà ở thương mại giá phù hợp, đồng bộ về hạ tầng và dễ tiếp cận cho các đối tượng người lao động có thu nhập thấp, công nhân mỏ, công nhân trong KCN, KKT và người lao động nói chung.
“Các dự án nhà ở phải đảm bảo phân bổ ở các địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho người công nhân, lao động, người thu nhập thấp đều được tiếp cận với dự án nhà ở, giúp họ có được mái ấm an cư lạc nghiệp”, Chủ tịch Quảng Ninh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm