Hiện thực hoá mục tiêu 8 triệu khách quốc tế

MINH CHÂU thực hiện 18/02/2023 04:00

Để tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước, chúng ta cần thay đổi đột phá về chính sách visa.

Du lịch Việt Nam cần đa dạng sản phẩm, đa dạng hoá nguồn khách quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách Đông Nam Á để tránh phụ thuộc vào du khách Trung Quốc mà vẫn đảm bảo được mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Trước thông tin Trung Quốc mở cửa với 20 quốc gia nhưng không có Việt Nam, ông có bình luận gì về vấn đề này, thưa ông?

Trung Quốc cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour quốc tế đến 20 nước trên thế giới, nhưng lại bỏ qua một số thị trường hấp dẫn như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể liên quan đến hàng rào kỹ thuật chưa thống nhất. Ví dụ như vấn đề về thủ tục xuất, nhập cảnh; quy định đảm bảo phòng chống dịch; cấp lại hộ chiếu hết hạn; lựa chọn tour du lịch phù hợp,...

Tôi cho rằng đây chỉ là quyết định mang tính tạm thời bởi đối với du khách Trung Quốc nói riêng và du khách quốc tế nói chung, Việt Nam vẫn là một địa điểm du lịch hấp dẫn. Chúng ta có lợi thế từ vị trí địa lý rất gần Trung Quốc và có tài nguyên thiên nhiên vô hạn, đặc biệt là các bờ biển đẹp hàng đầu thế giới, các kỳ quan, các địa điểm du lịch nổi tiếng, cũng như sự gần gũi và gắn kết về văn hóa… Mặt khác, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn được khách Trung Quốc yêu thích để chi tiêu mua sắm hàng hiệu xa xỉ. Do đó, Trung Quốc sẽ sớm mở cửa du lịch với các quốc gia còn lại theo nhu cầu của người dân, khi có nhiều chuyến bay và việc kiểm soát dịch được đảm bảo.

- Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng ra sao đối với du lịch Việt Nam và cụ thể là mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023?

Tổng cục Du lịch năm 2023 đề ra mục tiêu sẽ đón 8 triệu khách quốc tế trong đó bên cạnh thị trường khách Trung Quốc, chắc chắn còn phải hướng tới các thị trường trọng điểm như Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), Australia, châu Âu, Bắc Mỹ.

 Khách Trung Quốc đến Nha Trang hôm mùng 2 Tết (23/1).

Khách Trung Quốc đến Nha Trang hôm mùng 2 Tết (23/1).

Chúng ta không chỉ phụ thuộc vào du khách Trung Quốc nhưng tuy nhiên, sức ảnh hưởng từ thị trường tiềm năng này là rất lớn và sẽ tác động tới sự phục hồi của du lịch Việt Nam. Trung Quốc là thị trường truyền thống, với mức chi tiêu cao nên các đơn vị du lịch rất mong đợi vào lượng khách này.

Mặt khác, chúng ta vẫn đang chịu sự tác động của chiến sự Nga – Ukraine khiến cho mọi chi phí tăng cao, đồng rúp mất giá khiến Việt Nam mất đi một lượng khách Nga. Đây là thị trường lớn với kỷ lục 646.000 khách du lịch từ Nga sang Việt Nam trong năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát. Nga trở thành thị trường nguồn lớn thứ sáu sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.

Mặc dù chúng ta đang ở trong vị thế có nhiều ảnh hưởng bất lợi, tuy nhiên như tôi đã chia sẻ, khó khăn chỉ mang tính chất tạm thời và chúng ta cần lạc quan vào khả năng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa du lịch với Việt Nam.

Với kịch bản lạc quan nhất, theo tôi dự đoán, Chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét đợt 2 có thể từ tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2023, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ khai thác được thị trường Trung Quốc và tăng tốc từ mùa hè tới với điều kiện nối lại hoạt động du lịch giữa 2 nước. Khách du lịch Trung Quốc trước đây chiếm 1/3 tổng số khách du lịch của Việt Nam, nếu phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023 sẽ tương đương lượng khách du lịch tăng thêm khoảng 20% và mục tiêu 8 triệu khách quốc tế là hoàn toàn khả thi.

- Từ góc độ chính sách mở cửa cho khách quốc tế, Việt Nam còn vướng ở đâu và cần khắc phục ra sao để thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế trong thời gian tới, thưa ông?

Nhằm tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước, chúng ta cần thay đổi đột phá về chính sách visa, ví dụ như mở rộng hơn, hoặc cho phép khách lưu trú dài hạn hơn tùy các thị trường hoặc quốc tịch để thu hút khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Đây cũng là khoảng thời gian để ngành du lịch xây dựng lộ trình phục hồi tổng thể cho năm 2023, đòi hỏi tất cả bộ, ban, ngành vào cuộc, trong đó, vấn đề quan trọng là làm mới các sản phẩm của mình, đa dạng hoá thị trường và đào tạo hệ thống nhân sự thêm chất lượng.

Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên xuất hiện nhiều thay đổi, từ nhu cầu của du khách, chất lượng dịch vụ xuống cấp cho đến nguồn nhân lực hạn chế… Điều này cũng khiến các đơn vị lữ hành Việt cần thời gian khắc phục và phục hồi thị trường khách tiềm năng này.

Trong bối cảnh "kẹt" khách Trung Quốc, thị trường truyền thống châu Âu, Nga bất ổn do tình hình kinh tế và chính trị thì du lịch Việt cần có những chương trình xúc tiến, quảng bá mạnh hơn, chất lượng hơn để đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng khác như Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và Mỹ. Đa dạng thị trường khách quốc tế, tránh phụ thuộc sẽ góp phần giúp ngành du lịch phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiện thực hoá mục tiêu 8 triệu khách quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO