Mạng xã hội chia sẻ video 15 giây của Trung Quốc trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ vô số thử thách, trào lưu gây cười tạo ra.
Thống trị làng công nghệ thế giới là điều Alibaba, Tencent, Baidu hay JD chưa làm được. Các gã khổng lồ Trung Quốc không xứng tầm Google, Facebook, Instagram, Snap, Spotify và Amazon nếu xét trên phương diện toàn cầu. Thế nhưng, một hiện tượng Trung Quốc mà có thể nhiều người chưa nghe tới, Tik Tok, lại là ứng dụng di động được tải về nhiều nhất năm 2018 ở Mỹ và châu Âu, trên cả các thiết bị iOS và Android.
Tháng 10/2018, Tập đoàn Softbank và một nhóm nhà đầu tư lớn khác rót 3 tỷ USD vào Bytedance, công ty sở hữu Tik Tok, và định giá nó 75 tỷ USD. Qua đó, Bytedance vượt mặt Uber trở thành startup giá trị nhất thế giới.
Tuy nhiên Bytedance vẫn là cái tên xa lạ với nhiều người. Nhà sáng lập 35 tuổi, Zhang Yiming, hiếm khi trả lời phỏng vấn và sự xuất hiện của công ty này trước truyền thông phương Tây rất ít ỏi. Trái lại, tham vọng vươn toàn cầu bằng Tik Tok và cơ hội cho Bytedance vô cùng lớn. Đây là công ty Internet Trung Quốc đầu tiên ghi nhận lượng người dùng khổng lồ rộng khắp thế giới, thay vì phục vụ số đông là người Hoa hay châu Á như Alibaba, Tencent, Baidu...
Tik Tok là gì?
Đây là một nền tảng chia sẻ video, thường được gọi là ứng dụng "hát nhép". Bằng một đoạn nhạc nền, có thể là pop, rap, R&B, electro hay DJ, người dùng Tik Tok (phần lớn trẻ tuổi) tạo ra vô số phiên bản lip-sync khác nhau. Các trào lưu mạng nối đuôi ra đời từ Tik Tok, dưới dạng các video 15 giây lan truyền, chẳng hạn việc thực hiện một thử thách (challenge) nào đó. Mỗi trào lưu thường được gắn một hashtag.
Tik Tok không thuộc về một gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nào. Công ty chủ quản không những không có sự chống lưng hay rót tiền của Alibaba, Tencent và Baidu mà còn gây chiến với họ. Tik Tok ra mắt năm 2016 bởi Bytedance, một hãng công nghệ Bắc Kinh làm ứng dụng tổng hợp tin tức có tên Toutiao. Hãng này tự hào với thế mạnh AI chọn lọc nội dung đọc phù hợp với sở thích, hành vi từng người dùng, nên áp dụng luôn với bảng tin của Tik Tok.
Tik Tok chính thức được hiểu như "một nơi đùa cợt trên Internet". Người dùng chia sẻ những video diễn trò kỳ quặc ở đây mà không cảm thấy ngượng hay lo bị chế nhạo, đơn giản vì mọi người dùng Tik Tok đều làm vậy. Bảng tin hàng ngày của Tik Tok dễ gây nghiện khi chứa vô số video ngắn, mang tính giải trí cao mà không tìm được ở chỗ khác (như YouTube).
Trong khi Twitter, Facebook đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng lên cao rằng trở thành công cụ gây chia rẽ, Tik Tok giới thiệu mình là một nền tảng chia sẻ thay thế. Nó đơn giản, ngờ nghệch, bớt nghiêm túc và như một nút "reset" cần thiết cho xu hướng mạng xã hội hiện hành.
Đầu năm 2017, Tik Tok vươn lên thành ứng dụng video phổ biến nhất Trung Quốc. Cuối năm đó, công ty Bytedance thâu tóm đối thủ Mỹ của Tik Tok là Musical.ly bằng 800 triệu USD, hợp nhất hai ứng dụng và biến mình thành hiện tượng toàn cầu. Việc thâu tóm giúp Tik Tok thâm nhập thị trường phương Tây, cuốn cả những người nổi tiếng Mỹ như Jimmy Fallon và Tony Hawk tham gia. Cộng đồng YouTuber cũng kéo nhau săn lùng thử thách mới thực hiện trên Tik Tok.
Khác với nhiều ứng dụng mạng xã hội nhất quán trong chiến lược toàn cầu, Tik Tok tiếp cận mỗi vùng khách hàng khác nhau. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, họ hợp tác với các công ty quản lý nghệ sĩ lớn để tăng nhận diện thông qua loạt video có sự tham gia của ngôi sao, đăng trên YouTube và Instagram nhưng có gắn nhãn Tik Tok - hình một nốt nhạc. Một chuỗi chiến dịch âm nhạc và nhảy nhằm khuyến khích vượt qua sự ngại ngùng, vấn đề lớn với giới trẻ Nhật.
Các thử thách lan truyền là yếu tố thành công cốt lõi cho Tik Tok. Từ một chủ đề (meme), người dùng đua nhau ghi hình thực hiện thử thách theo cách riêng. Chẳng hạn thử thách gấu Gummy đồng ca nhạc Adele năm ngoái thu hút tổng cộng 1,7 triệu lượt thích trên Tik Tok, và "viral" trên Twitter.
Tuy nhiên, giống như bất cứ một sản phẩm mạng nào khác, Tik Tok không hoàn hảo. Mặt tối của nền tảng này được chỉ ra bằng báo cáo về các trường hợp trẻ em bị người xem đề nghị gửi ảnh khỏa thân hay quấy rối (Tik Tok dành cho người từ 13 tuổi trở lên), phơi bày thông tin cá nhân và việc bảo mật bị cho yếu kém so với Facebook hay Instagram.
Dù thế, đến nay Tik Tok hút hơn nửa tỷ người dùng (nhiều hơn Twitter) và khoảng 40% trong đó ở ngoài Trung Quốc. Các công ty lớn Trung Quốc giờ đây phải học hỏi công thức của Tik Tok cũng như Bytedance, với thiết kế ứng dụng giản đơn mà hiệu quả, tiếp thị mạnh, địa phương hóa chiến lược, thâu tóm và hợp nhất đối thủ - để thành công trên phạm vi toàn cầu.
Ảnh hưởng mạnh của Tik Tok còn được chứng minh qua việc đưa nhà sáng lập Zhang lên ngôi tỷ phú tự thân trẻ nhất châu Á, theo xếp hạng của Bloomberg.