Trong khi nhiệm vụ số một lúc này là phát hiện người mang virus SARS-CoV-2, khẳng định ca nhiễm, khoanh vùng, dập dịch thì sử dụng test nhanh không đáp ứng được yêu cầu này.
Bộ Y tế mới đây công bố ca bệnh COVID-19 thứ 3 ở Hà Nội là bệnh nhân thứ 714. Đáng nói, người đàn ông 42 tuổi trú tại Bắc Từ Liêm này trước đó gần 1 tuần đã xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính với kháng thể IgM/IgG, nhưng 5 ngày sau, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR lại khẳng định dương tính.
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc xét nghiệm nhanh chỉ có ý nghĩa sàng lọc, không có ý nghĩa chẩn đoán, khẳng định nhiễm virus gây COVID-19 hay không. Đồng thời, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể IgM/IgG xảy ra âm tính "giả" hoặc dương tính "giả" là điều dễ hiểu. Kháng thể chính là “chất” cơ thể sinh ra để chống lại virus.
GS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho biết, SARS-CoV-2 là một loại Corona virus, có bản chất di truyền ARN. Virus này được coi như kháng nguyên. Một người bị nhiễm SARS-CoV-2 thì sau 7 - 15 ngày mới sinh ra kháng thể để chống lại virus.
Người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì thường ủ bệnh khoảng 5 đến 14 ngày (có trường hợp muộn hơn) mới có thể phát ra thành bệnh COVID-19. Nhưng điều rất nguy hiểm là trong thời gian ủ bệnh thì người mang virus đã có thể phát tán virus ra trong cộng đồng rồi. Bởi vậy, phải xét nghiệm để phát hiện cho được người đang mang virus SARS-CoV-2 để thực hiện việc cách ly, nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng là rất quan trọng.
Một người mới nhiễm virus SARS-CoV-2, còn quá sớm để cơ thể sinh ra kháng thể, sẽ cho kết quả âm tính khi sử dụng phương pháp test nhanh.
Để xét nghiệm nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2, theo vị giáo sư này, phải sử dụng kỹ thuật Realtime-RT-PCR, là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (rRT-PCR). Đây là một kỹ thuật theo nguyên lý khuếch đại gien. Cả thế giới làm như thế. Lâu nay, chúng ta cũng đã làm như thế. Còn xét nghiệm bằng test nhanh - mà hiện tại một số nơi đang dùng - là phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2.
Vẫn theo GS Nguyễn Anh Trí, sử dụng xét nghiệm nhanh để phát hiện virus SARS-CoV-2 là không phù hợp bởi, dùng xét nghiệm phát hiện kháng thể mà đi tìm kháng nguyên là không đúng.
Bên cạnh đó, nếu chỉ định xét nghiệm sớm thì luôn âm tính, vì kháng thể bao giờ cũng xuất hiện muộn hơn. Nếu có âm tính, thì không thể nào biết được người đó hiện tại có virus trong cơ thể hay không. Người nhận được kết quả âm tính test nhanh sẽ tưởng rằng mình không bị nhiễm virus, không còn mang virus nên nguy cơ cho cả hai phía: Bản thân họ thì chủ quan, dẫn đến họ chưa nhiễm thì sẽ bị nhiễm; hoặc nếu họ có mang virus SARS-CoV-2 trong cơ thể thì sẽ làm lây lan cho cộng đồng. Đây là vấn đề nguy hiểm nhất.
Trong khi đó, nếu có kết quả dương tính, thì coi như cũng là “vồ hụt”, vì không chắc người đó có còn virus trong người hay không? Và nếu trước đó có nhiễm thì hậu quả lây lan virus đã xảy ra rồi.
Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cũng khẳng định: Nếu người bệnh mới mắc COVID-19, cơ thể chưa sinh ra kháng thể hoặc cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu. Do vậy, khi xét nghiệm nhanh ở thời điểm này có thể không tìm thấy kháng thể (cho ra kết quả âm tính).
BS Đồng Phú Khiêm - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng nhận định, không phải người nhiễm virus SARS-CoV-2 nào cũng sinh ra kháng thể, và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm virus.
Nhiều nghiên cứu về COVID-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người mới có kháng thể sau 2 tuần; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.
Theo một nghiên cứu về diễn biến của virus SARS-CoV2 và kháng thể sinh ra trong cơ thể người bệnh, virus có thể xuất hiện trong dịch mũi họng (xét nghiệm bằng Realtime RT-PCR) 1 tuần trước khi triệu chứng xuất hiện và kéo dài tới nhiều ngày sau, một số vẫn còn biểu hiện ít nhất dưới dạng “xác virus” kéo dài như chúng ta đã thấy.
Test nhanh chỉ thấy kháng thể sớm nhất từ tuần thứ 2 sau khi tiếp xúc với người bệnh trước, khả năng test nhanh dương tính cao nhất là sau 2 -3 tuần. Điều này có nghĩa là, nếu ngày đầu tiên tiếp xúc người bệnh là thứ Hai tuần này, thì ít nhất, tới thứ Hai tuần sau, khi test nhanh mới có thể tìm ra kháng thể. Trong những ngày từ thứ Ba tới Chủ nhật đó, nếu thấy test nhanh âm tính, chớ vội mừng.
Vì thế test nhanh âm tính chỉ cơ bản yên tâm khi người dân đã về từ vùng dịch quá 14 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính khi về từ vùng dịch chưa đủ 14 ngày thì người bệnh vẫn có thể vẫn có virus nhân lên trong cơ thể và tới 40% là không biểu hiện ra bên ngoài.
Từ những phân trên có thể thấy, việc sử dụng test nhanh không có hiệu quả trong “phát hiện ca bệnh khoanh vùng dập dịch” như yêu cầu hiện tại của chiến lược chống dịch từ Chính phủ đề ra. Có lẽ cũng bởi vậy mà Hà Nội hiện đang tiến hành xét nghiệm PCR cho tất cả những người từ Đà Nẵng trở về, bao gồm cả người đã có kết quả âm tính khi test nhanh. Quảng Nam cũng là địa phương đã dừng test nhanh sau Hà Nội.
Vậy câu hỏi đặt ra, với hàng chục nghìn người dân Việt Nam đã sử dụng test nhanh thì kết quả có còn ý nghĩa?
Xét nghiệm nhanh được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng trong một số hoàn cảnh như thực hiện để theo dõi kết quả điều trị ở những người nhiễm SARS-CoV-2. Việc đánh giá lượng kháng thể của bệnh nhân rất quan trọng để bác sĩ điều chỉnh thuốc, thay đổi phác đồ điều trị phù hợp.
Thứ hai, xét nghiệm nhanh nhằm điều tra dịch tễ học trong cộng đồng. Mục đích là kiểm tra người dân vùng đó có bị nhiễm virus trước đây không. Đây là việc cần thiết để biết được nguy cơ nhiễm và lây lan ở các địa bàn sinh sống, đối tượng dân cư, mùa vụ. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chiến lược phòng dịch cho cả vùng hoặc quốc gia.
Được biết, hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chuẩn bị cho tiến hành biện pháp này ở khu vực Đà Nẵng để xác định mức độ lây lan cộng đồng, nhằm xây dựng một chiến lược phòng dịch COVID-19 trung và dài hạn.
Chính vì lẽ đó, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng dịch, đi đến các điểm cảnh báo Bộ Y tế đã thông báo...) vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày theo đúng quy định.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã khẳng định, Trung ương không cấp kit test nhanh, đồng thời khuyến khích các địa phương làm xét nghiệm rRT-PCR. "Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này", Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nhưng làm sao khắc phục được vấn đề thời gian và chi phí kéo dài trong xét nghiệm PCR khi nhu cầu việc xét nghiệm trên diện rộng là cần thiết? GS.TS Nguyễn Anh Trí đề xuất: “Chúng ta nên thực hiện trộn 4 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm nhóm. Nếu dương tính, nhân viên y tế sẽ tách ra làm 4 mẫu riêng. Với cách làm này, khó khăn trên sẽ được khắc phục”.
Vị chuyên gia đồng thời cho biết, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Israel, Đức, Singapore,... đã bắt đầu làm theo cách trộn mẫu này
Có thể bạn quan tâm
13:46, 03/04/2020
17:00, 31/03/2020
13:43, 27/04/2020