Trước những cơ hội và thách thức trong thực thi các FTA, để củng cố năng lực, tăng cường sức cạnh tranh cho ngành ô tô Việt Nam, theo chuyên gia, cần đồng bộ, ổn định hệ thống chính sách.
>> Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Trong quá trình phát triển và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành công nghiệp ô tô có không ít cơ hội.
Theo đó, đến nay Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 FTA. Trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ôtô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ôtô nguyên chiếc về 0%, điển hình là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 0% từ năm 2018; Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và EU (UK/EVFTA) 0% từ năm 2028; Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 0% từ 2027…
Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ôtô để có thể đa dạng hóa sản phẩm, cơ hội nhập khẩu sản phẩm ô tô, phụ tùng, linh kiện chất lượng, công nghệ cao từ EU với giá thấp hơn, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ hội xuất khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy mà Việt Nam có thế mạnh có thể trở thành đối tác đầu tư liên doanh, hoặc nhà cung cấp cho các nhà đầu tư EU sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường trong nước và khu vực
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường.
Bên cạnh đó, các cam kết khá mạnh trong lĩnh vực sản phẩm ô tô, linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là cam kết về thuế quan, EVFTA được cho là sẽ tác động mạnh tới ngành ô tô Việt Nam khi thực thi các cam kết. Đơn cử như với các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.
>> Tồn kho gần 100.000 ô tô, “đại hạ giá” còn kéo dài
Trước những cơ hội và thách thức nêu trên, để củng cố năng lực, tăng cường sức cạnh tranh cho ngành ô tô Việt Nam, theo chuyên gia, cần đồng bộ, ổn định hệ thống chính sách về thuế phí đảm bảo bám sát định hướng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, trong đó có các chính sách về thuế, phí và lệ phí để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Chiến lược cải cách hệ thống thuế và thông lệ quốc tế.
Các chính sách này đã có tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và với ngành công nghiệp ôtô nói riêng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Hải, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô nói chung, xe ôtô điện nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo bám sát định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước, có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ của nhiều chính sách có liên quan (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...), đảm bảo phù hợp với thực trạng phát triển hạ tầng giao thông, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam đang gia nhập các FTA.
“Một số chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài đến hết năm 2027. Cơ quan chức năng cũng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước trước làn sóng ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam” Phó Trưởng phòng Thuế xuất khẩu, nhập khẩu chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương lưu ý, cần nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu dài, phù hợp với các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.
“Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó có các chính sách ưu đãi ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện hóa tại Việt Nam như thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi áp dụng cho từng dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV, FCEV) căn cứ vào mức phát thải CO2. Đồng thời giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa...”, TS. Lê Huy Khôi nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn
04:40, 26/01/2024
Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn
14:58, 23/01/2024
Xe hydro tương lai của ngành công nghiệp ô tô
12:30, 25/10/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 10: Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?
04:30, 11/09/2023
Công nghiệp ô tô – Bài 9: Kỷ nguyên xe điện, xây dựng nền tảng để “cất cánh”
05:00, 04/09/2023