Năm 2025, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các địa phương và chợ dân sinh sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số để mở rộng không gian kinh doanh.
Thích ứng nhanh với công cụ số
Tháng đầu năm 2025, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng tạp hoá trong cả nước rất sôi động với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài. Trong dịp tiêu thụ hàng hoá lớn nhất của năm, thị trường nội địa ghi nhận việc các công ty, cửa hàng kinh doanh ở nhiều ngành hàng khác nhau, từ lương thực thực phẩm, hoa quả đến thời trang, mỹ phẩm… tận dụng mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội để bán hàng.
Số liệu từ nền tảng TikTok shop, trong dịp Tết Nguyên đán này, với sự tham gia gần 50.000 nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đã hơn 2,1 triệu phiên livestream sôi động được tổ chức và thu hút đến… 2,9 tỷ lượt xem. Mua sắm Tết trên chợ… mạng trở thành xu hướng tất yếu khi chuyển đổi số ngày càng sâu rộng và kinh tế số ngày càng đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.
Ở góc độ khác, số liệu phân tích từ nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho thấy, từ giữa tháng 12/2024 đến giữa tháng 1/2025, trên 2 sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất hiện nay là Shopee, TikTok Shop chỉ riêng mặt hàng áo dài đã có 756.600 sản phẩm được bán và giao thành công cho khách hàng từ 2.089 gian hàng với tổng giá trị là 189,6 tỷ đồng.
Quảng bá và kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội thông qua các phiên livestream đã hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, ở nhiều vùng miền khác nhau. Qua đó, đã và đang góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoàn thiện chất lượng sản phẩm, quản lý và cung ứng hàng hoá cũng như kỹ năng kinh doanh trực tuyến.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hưởng lợi mà xu hướng kinh doanh trực tuyến cũng đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nghiên cứu, phát triển các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ phù hợp phục vụ chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hoá…
Kỳ vọng từ cú hích chuyển đổi số
Tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 – 2025, năm 2025, chuyển đổi số tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào 5 nhóm ngành lĩnh vực trọng tâm nhằm nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế; trong đó có thương mại bán buôn, bán lẻ.
Đây là lĩnh vực đang chiếm 30% tỷ trọng trong kinh tế số các ngành, lĩnh vực và là không gian lớn nhất để các địa phương không có thế mạnh về công nghệ thông tin có thể tăng tỷ trọng kinh tế số trên GRDP. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công thương thực hiện Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán buôn, bán lẻ trên thị trường nội địa. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, khoảng 88% số lượng mặt hàng tiêu dùng nhanh đang được phân phối tới người tiêu dùng qua kênh này.
Vì vậy, thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hoá, chợ truyền thống lên môi trường điện tử, từ khâu nhập hàng, quản lý kho hàng và kinh doanh trên môi trường mạng góp phần quan trọng trong việc gia tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, tỷ trọng kinh tế số ước tính đóng góp khoảng 18,3% GDP, tăng trưởng 20% so với năm 2023.
Năm 2025, tỷ trọng kinh tế số hướng đến con số mục tiêu là 20,5% GDP với tổng doanh thu đạt 52 tỷ USD, ước tăng khoảng 30% so với năm 2024. Trong lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ, đến hết năm 2025, hỗ trợ cho tối thiểu 50% cửa hàng tạp hoá, bán lẻ tại 10 địa phương trên toàn quốc chuyển đổi số.
Trước đó, trong tháng 9/2024, Chương trình đã thực hiện thí điểm chuyển đổi số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh và khảo sát 2.154 đơn vị, tập trung vào doanh nghiệp, hộ kinh doanh (chiếm 97,4% số đơn vị khảo sát) và cửa hàng bán lẻ.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và và Truyền thông) cho biết, qua khảo sát có 5 giải pháp công nghệ thông tin các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh sử dụng nhiều nhất để áp dụng vào hoạt động kinh doanh. Đó là, các hệ thống: quản lý hoá đơn/thanh toán điện tử; quản lý hàng tồn kho; quản lý bán hàng; quản lý lao động và quản lý thu mua.
Ngoài ra, có 3 giải pháp công nghệ thông tin được sử dụng nhiều nhất là mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và giải pháp tự thanh toán (thanh toán không dùng tiền mặt).
Từ dữ liệu trên, các doanh nghiệp nền tảng số của chương trình đã tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ hiểu và dùng thử ứng dụng công nghệ phù hợp. Ngoài 57 doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng công nghệ, có 851 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bày tỏ quan tâm, mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi số và gần 300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển đổi số thành công ngay trong tháng 9.