Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam rất mong Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ giảm phí thêm cho các doanh nghiệp. Cụ thể, giảm phí từ 50-60% cho hoạt động vận tải hành khách và giảm 20% cho vận tải hàng hoá.
Tiếp tục thông tin về Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19, theo công văn số số 5377/BTC-CST của Bộ Tài chính. Trong đó, lĩnh vực vận tải cũng được đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng): mức thu bằng 70% biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC. Đối với xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo: mức thu bằng 90% so với quy định trước đó.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ, về cơ bản, Hiệp hội rất đồng thuận với chủ trương của Dự thảo ban hành. Nhưng trên thực tế, ngành vận tải hiện nay đang rất khó khăn, các mức giảm phí, lệ phí như trên chưa thực sự phù hợp khi đối chiếu với tình hình thực tiễn. Xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20 - 30 %, đồng thời trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Từ khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát, lượng hành khách đi xe đã giảm đáng kể, trong khi việc thu phí áp dụng theo tháng, cho nên mức giảm 30% cho loại hình kinh doanh này là quá thấp.
Thứ hai, với vận tải hàng hóa, các hoạt động chuyên chở đã giảm từ 10 - 20 % và tập trung chủ yếu ở những đơn vị vận tải đường dài, vận tải qua biên giới đòi hỏi thủ tục ngặt nghèo. Nhất là khi lái xe chưa được tiêm vaccine phòng chống COVID thì không được đi qua cửa khẩu. Lúc này, doanh nghiệp buộc phải thuê lái xe dịch vụ làm đội chi phí lên rất nhiều.
Thứ ba, khi phát sinh vùng dịch ở một khu vực nào đó, thì ở mỗi địa phương lại đề ra những quy định khác nhau, làm cho quá trình vận tải bị gián đoạn, ách tắc từ ba đến năm ngày gây khó khăn mọi mặt.
Chính vì vậy Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam rất mong Bộ Tài chính xem xét các quy định và hỗ trợ giảm phí thêm cho các doanh nghiệp. Cụ thể, giảm phí từ 50-60% cho hoạt động vận tải hành khách và giảm 20% cho vận tải hàng hoá. Ngoài ra, đưa đội ngũ lái xe vào danh sách ưu tiên được tiêm chủng vaccine COVID-19 để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, di chuyển.
Vị Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết thêm, ở hoạt động vận tải hành khách, mọi khó khăn còn phân theo từng chuyên ngành. Giả dụ, vận tải khách theo tuyến cố định từ Hà Nội đi TP.Vinh, lượng khách giảm rất sâu, hiếm hoi một số ngày có khách tăng lên, nhưng theo quy định cũng không được chở quá 50 % số ghế, mà với giá vé hiện nay, chở dưới 50% sẽ không đủ chi phí, chưa nói đến lợi nhuận.Tuy nhiên, các đơn vị vẫn phải duy trì để giữ khách và không bị gián đoạn hoạt động.
Còn riêng vận tải hợp đồng hoặc vận tải khách du lịch thì giảm rất nhiều, thậm chí các xe chuyên chở khách du lịch gần như đóng băng, ngưng hoạt động; vận tải taxi cũng chỉ ghi nhận doanh thu khoảng 20 % so với lúc trước dịch.
“Nhìn chung, vận tải hành khách khó khăn hơn nhiều so với vận tải hàng hóa, hơn nữa việc chuyên chở con người cũng rủi ro hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường”, ông Quyền trăn trở.
Ngoài các kiến nghị về giảm phí, lệ phí thu trên đầu phương tiện theo Dự thảo mà Bộ Tài chính ban hành, Hiệp hội cũng có một số đề xuất khác như: Đề nghị các ngân hàng tiếp tục cho các công ty vận tải ô tô giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời gian trả nợ. Đề nghị cơ quan Thuế giảm hoặc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, một vấn đề nóng nữa đó là theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12 về việc xe vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên cùng với xe tải đầu kéo chở container phải lắp camera. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng đến tháng 7/2023.
“Trước khi ban hành quy định, có nhiều doanh nghiệp vận tải khách đã lắp camera phục vụ mục đích quản lý trong doanh nghiệp, nhưng hoạt động này lại không phù hợp khi đối chiếu với quy định của Nhà nước trong việc truyền tải dữ liệu về trung tâm quản lý. Việc lùi thời hạn áp dụng là có cơ sở, bởi hiện nay phía cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa hình thành được trung tâm kiểm soát dữ liệu khi chuyển về nên để doanh nghiệp được sử dụng camera cũ sẽ chống lãng phí, trong khi các ngành nghề lĩnh vực đều cần tối ưu hoá việc tiết kiệm”, vị Chủ tịch phân tích.
Cũng nằm trong nhóm ngành vận tải, các doanh nghiệp hàng không hiện đang gặp nhiều khó khăn không kém. Ông Phạm Việt Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực khai thác thị trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, trong đó có việc chuẩn bị khôi phục lại các đường bay quốc tế.
Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ, trực tiếp và nhanh chóng vì đại dịch. Trong 4 tháng đầu năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 84.431 chuyến bay thương mại, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn chỉ bằng gần 78,4% so với mức cùng kỳ năm 2019 (107.746 chuyến bay).
Sau khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát vào cuối tháng 4/2021, số lượng chuyến bay thương mại trong tháng 5 (từ 19/4 -18/5) giảm xuống chỉ còn 20.217 chuyến, tức là giảm 15,8% so với cùng kỳ tháng trước. Số lượng hành khách và khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không giảm nhiều hơn số chuyến bay, do bản thân các hãng bay phải thực hiện dãn cách ngay trên máy bay.
Những khó khăn vốn dĩ đã xuất hiện từ những đợt dịch bệnh bùng phát trước đây vẫn kéo dài, tới nay mức độ và cường độ tác động càng lớn hơn. Đặc biệt là khó khăn trong việc đảm bảo tính thanh khoản của các doanh nghiệp và duy trì việc làm, để giữ nhân sự trình độ cao, cũng như ổn định đời sống cho người lao động của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp hàng không đều xác định trước hết phải tự mình nỗ lực, tìm kiếm và thực hiện những giải pháp tổng thể để duy trì hoạt động trong ngắn hạn, đồng thời triển khai mạnh mẽ việc tái cấu trúc, nâng cao năng lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, chuẩn bị điều kiện để đẩy mạnh hoạt động trở lại khi dịch bệnh lắng dịu.
“Các doanh nghiệp cũng rất mong được Nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để các đợt dịch bệnh mới xuất hiện và lây lan, nhằm khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế- xã hội. Cũng xin Nhà nước tiếp tục duy trì những hình thức hỗ trợ đã được Hiệp hội đề xuất trước đây (trong đó có những giải pháp đã được Nhà nước chấp thuận cho triển khai) với các thủ tục đơn giản hơn để những hỗ trợ này kịp thời phát huy tác dụng”, ông Phạm Việt Dũng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm