Hỗ trợ giãn nợ, xóa nợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Diễm Hương 20/11/2020 16:52

Ngày 20/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri và đã ghi nhận ý kiến đề nghị các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ giãn nợ, xóa nợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Tuyến đường dẫn lên huyện Nam Trà My sạt lở nặng

Tuyến đường dẫn lên huyện Nam Trà My sạt lở nặng

Bởi sau bão số 9, hầu hết diện tích trồng cây cao su, hoa màu của bà con gần đến thời gian khai thác đều đã bị gãy đổ, mất trắng khiến người dân không còn khả năng thu hồi vốn để trả nợ vốn cho ngân hàng.

Cần có chính sách giãn nợ

Hiện nay, giá cao su chỉ khoảng 2.500 đồng/kg mủ tươi, cử tri đề nghị tỉnh cần có chính sách giãn nợ, xóa nợ cho các hộ dân, có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương để bà con phát triển sản xuất.

Tại các điểm tiếp xúc đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam gần 20 ý kiến về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Các ý kiến cử tri tập trung vào các nội dung: Đề nghị các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ cây, con giống để người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định lại cuộc sống. Đồng thời, đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được vay vốn làm nhà ở kiên cố, và mong muốn mức hỗ trợ hơn 40 triệu đồng cho các hộ gia đình có nhà ở bị sập đổ để ổn định chỗ ở. 

Cụ thể, hỗ trợ sinh kế, tái thiết chăn nuôi, sản xuất bằng hình thức trao cây, con giống cho các gia đình nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ khôi phục các mô hình sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ, như: mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã, mô hình phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp; trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, đơn thân…

Theo đó, ông Phan Thái Bình, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã sẻ chia với các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn bị thiệt hại nặng trong đợt thiên tai vừa qua, nhân dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tặng mỗi địa phương 50 triệu đồng.

Tiếp sức của ngân hàng 

Hiện nay tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, hầu hết các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh chị thiệt hại do bão lũ bằng cách giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với vốn vay cũ.

Đồng thời, các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại do bão lũ có dự án khả thi sẽ được các ngân hàng thương mại cho vay mới với lãi suất ưu đãi. theo ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động, “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu để giảm lãi suất cho vay. Để giúp các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo Trung tâm thanh toán quốc gia miễn, giảm thu phí thanh toán của các tổ chức tín dụng với nhau cũng như giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng. 

Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho 814 doanh nghiêp, cá nhân, hộ gia đình chịu thiệt hại do bão lũ; trong đó, có 643 cá nhân, hộ gia đình, 169 DN và 2 đối tượng vay vốn khác. Tổng dư nợ được hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại là 2.804 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cơ cấu lại thời gian trả nợ là là 1.526 tỷ đồng, dư nợ của chương trình miễn giảm lãi là 1.287 tỷ đồng. Còn cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 15.774 tỷ đồng. 

Hiện nay, nhu cầu vay vốn để đầu tư lớn cho sản xuất, kinh doanh của cá nhân, doanh nghiêp dự đoán sẽ tăng cao nên kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020. Để kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh giảm lãi suất cho vay 1 - 2%/năm. Theo đó, 3 lĩnh vực ưu tiên giải ngân vốn là phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cho vay đối với doanh nghiêp nhỏ và vừa. Tín hiệu tích cực là trong khi tăng trưởng tín dụng chung mới chỉ đạt 3,72% thì lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã chiếm đến 8%. 

Các thủ tục vay vốn phải được các ngân hàng thương mại niêm yết rõ ràng. Cán bộ ngân hàng phải thường xuyên liên lạc, trao đổi với khách hàng, khi có vướng mắc về thủ tục để chia sẻ, tháo gỡ nhanh nhất có thể để khơi thông vốn vào thị trường, tiếp sức các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất hồi phục sau bão lũ để đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa cuối năm thu hồi vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hỗ trợ giãn nợ, xóa nợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO