Tín dụng - Ngân hàng

Hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi, các ngân hàng mong đợi gì?

Lê Mỹ 24/09/2024 04:50

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sớm trình Chính phủ các cơ chế liên quan để ban hành Thông tư, chính sách giãn, hoãn nợ cho đối tượng thiệt hại bởi cơn bão Yagi.

Đây cũng là mong đợi của các ngân hàng thương mại, mặc dù trong thực tế, các ngân hàng đã và đang chủ động triển khai các chương trình đánh giá, rà soát thiệt hại của khách hàng và dự kiến giảm lãi suất vay của các khoản vay hiện hữu từ 0,5% -2%; thậm chí có ngân hàng như SHB giảm lãi tới 50%, đồng thời tung các gói vay mới với lãi suất thấp hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn nhanh chóng phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Gia han
Trong khi mong ngóng về cơ chế hỗ trợ nhằm giãn, hoãn nợ phát huy hiệu quả, các TCTD đã triển khai các chính sách giảm lãi vay và ưu đãi cho vay mới. Ảnh minh họa

Kỳ vọng về chính sách cụ thể cho giãn, hoãn nợ

Là một trong những ngân hàng công bố sớm nhất về việc triển khai giảm lãi suất 2% cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão Yagi, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nêu kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN: Rất cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng lũ lụt, bão; giãn, hoãn nộp thuế giúp khách hàng sớm phục hồi cuộc sống, trở lại kinh doanh.

Cụ thể, ông Vinh rằng "cần xem xét gia hạn Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/06/2024 đến 30/06/2025, đồng thời có hướng dẫn thêm về việc tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu, phải thoái. Cho phép xây dựng lộ trình thực hiện đối với điểm b khoản 5 điều 4 về mức trích lập dự phòng cụ thể...".

Tương tự, ông Nguyễn Hưng - TGĐ TPBank, qua đánh giá một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão, nêu mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ. Khả năng nợ quá hạn sẽ nhảy nhóm tự động khiến các khách hàng này nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị lịch sử nợ xấu và không tiếp cận được vốn mới. Trong trường hợp này, nếu không có cơ chế, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hoãn, giãn nợ, ông Hưng cho biết và kiến nghị việc có các chính sách như Thông tư 01, 02 trong thời điểm khó khăn thì mục tiêu giãn, hoãn nợ sẽ phát huy khá hiệu quả trong việc hỗ trợ tức thời doanh nghiệp, người dân.

Chia sẻ về các nỗ lực đánh giá, rà soát thiệt hại và xây dựng gói vay, giảm lãi vay cho khách hàng thiệt hại bởi bão Yagi ở 26 tỉnh thành từ HDBank, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank cũng đánh giá, hiện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao, do đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, HDBank mong sẽ có chủ trương từ việc xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư 06 về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ.

Về thiệt hại do bão Yagi, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đánh giá những thiệt hại, có báo cáo thống kê xác thực trong thời gian sớm nhất và có văn bản chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố để triển khai ngay các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ đã xây dựng, bảo đảm sớm đưa vào cuộc sống.

Đặc biệt, Phó Thống đốc cho biết sẽ sớm trình Chính phủ các cơ chế liên quan để ban hành Thông tư, chính sách giãn hoãn nợ cho đối tượng thiệt hại bởi cơn bão này.

Cụ thể, NHNN sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế liên quan thuộc thẩm quyền chính phủ về trích lập, dự phòng rủi ro, mức trích lập, phương pháp trích lập … Từ đó, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho giãn hoãn nợ với đối tượng thiệt hại của cơn bão vừa qua.

Theo Phó Thống đốc, Thông tư 02 và Thông tư 06 hiện đang có hiệu lực áp dụng có đối tượng, nội dung và nội hàm khác, không thể sử dụng với khách hàng chịu ảnh hưởng từ bão Yagi. Các cơ chế như Nghị định 55, Nghị định 116 về giãn hoãn nợ … chỉ áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, còn Thông tư 39 lại chưa quy định về việc phân loại nhóm nợ đã giãn, hoãn.

Do đó, Thông tư mới sẽ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực tới tình hình tài chính của ngân hàng, tránh để rủi ro nợ trở nên quá phức tạp.

Đây cũng là quan điểm đồng thuận từ các chuyên gia khi trao đổi với DĐDN, nhấn mạnh trên cơ sở trọng tâm cần có một Thông tư mới tương tự như Thông tư 02 và 06, nhưng phải là Thông tư 06 mà hoàn toàn tách biệt để phù hợp với các đối tượng được áp dụng, cũng như phù hợp cơ chế hạch toán, kiểm soát rủi ro của hệ thống. Thông tư mới về cơ cấu giãn, hoãn nợ với các khách hàng thiệt hại do bão Yagi không nên chồng lấp theo hướng sửa đổi bổ sung gia hạn Thông tư cũ.

Nỗ lực và hành động nhân văn

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM nhận định, nhìn ở góc độ quản lý và cơ chế thị trường, những chủ trương chính sách của cơ quan quản lý và các NHTM để tích cực hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi là hành động có ý nghĩa nhân văn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh200
Ông Nguyễn Đức Lệnh

Theo ông Lệnh, các tổ chức tín dụng đã chủ động giảm lãi suất cho vay trực tiếp cho tất cả khách hàng có dư nợ tín dụng bị thiệt hại, với mức giảm từ 0,5% -2%/năm. Đồng thời đưa ra các kế hoạch tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng tại những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện và vận dụng ngay các chính sách ưu đãi, các chương trình tín dụng hiện có để tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức thực hiện cho vay lại ngay sau bão cho các đối tượng chính sách để phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh.

“Đây là hành động rất kịp thời, mang lại ý nghĩa rất lớn, hiệu quả và thiết thực nhằm khôi phục sản xuất, vật nuôi và cây trồng tại vùng nông thôn, miền núi: khoản vay nhỏ song hiệu quả mang lại lớn trong bối cảnh hiện nay. Chưa kể các tổ chức tín dụng tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tất cả lĩnh vực của nền kinh tế tại những địa bàn này”, ông Lệnh chia sẻ.

“Những hoạt động này của ngành ngân hàng sẽ mang lại hiệu ứng và tạo điều kiện tốt nhất để kinh tế tại những vùng khó khăn, bớt khó khăn, phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn sau bão”, ông nhấn mạnh.

Thống kê sơ bộ của NHNN trên dữ liệu của các NHTM tính đến 20/9, có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão Yagi với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Con số này có thể tăng thêm trong thời gian vẫn đang rà soát, đánh giá thiệt hại để ngay khi có Thông tư mới, các tổ chức tín dụng có thể áp dụng triển khai ngay.

Một số ngân hàng cho biết bên cạnh dư nợ tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng do bão, trong cùng hệ thống, công ty bảo hiểm, công ty tài chính cho vay tiêu dùng cũng có nhiều khách hàng thiệt hại, bị ảnh hưởng. Các Công ty này cũng đều đang triển khai rà soát, đánh giá thiệt hại chính xác, có phương án đền bù, hỗ trợ sớm nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi, các ngân hàng mong đợi gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO