Chuyên đề

Hỗ trợ nền kinh tế khi thắt chặt tài khoá

Diễm Ngọc 05/01/2025 11:32

Năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển từ chính sách tài khóa mở rộng sang thắt chặt.

Đây là một quyết định chiến lược, phản ánh sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính quốc gia.

Bui duy tung
Bui duy tung

Đó là nhận định của TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Đại học RMIT khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Xin ông cho biết những yếu tố nào tác động đến việc thắt chặt chính sách tài khóa của Việt Nam trong năm 2025?

Trong giai đoạn 2020-2024, Việt Nam đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những thách thức do đại dịch COVID-19 và biến động kinh tế toàn cầu. Các biện pháp như miễn, giảm và giãn thuế đã được triển khai, với tổng quy mô hỗ trợ gần 900.000 tỷ đồng.
Mặc dù những chính sách này đã giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhưng cũng dẫn đến áp lực gia tăng nợ công và thâm hụt ngân sách. Dự kiến đến cuối năm 2024, nợ công sẽ vào khoảng 36 - 37% GDP, tương đương 4 - 4,1 triệu tỷ đồng. Do đó, việc thắt chặt chính sách tài khóa từ năm 2025 nhằm kiểm soát nợ công và đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Năm 2025 đánh dấu năm cuối của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 790.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư từ các bộ, ngành và địa phương lên tới gần 871.000 tỷ đồng, tạo áp lực lớn cho việc giải ngân hiệu quả. Việc thắt chặt chính sách tài khóa sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như đường cao tốc, sân bay và bến cảng...

mien giam
Năm 2024, nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng được triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân.

Việc chuyển sang chính sách tài khóa thắt chặt sẽ giúp kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Theo dự báo, lạm phát Việt Nam năm 2025 sẽ được kiểm soát tốt, tăng trưởng GDP ngang bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với năm 2024.

- Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Việt Nam cần ưu tiên những lĩnh vực nào để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế trong những năm tới, thưa ông?

Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực then chốt sau đây:

Thứ nhất, đầu tư vào giáo dục là nền tảng cho sự phát triển dài hạn. Nhu cầu giáo dục ở Việt Nam ước tính trên 20 tỷ USD, chiếm khoảng 8% GDP, trong đó chi tiêu của chính phủ chiếm 5 - 6% và phần còn lại là từ các hộ gia đình.

Thứ hai, chi phí chăm sóc sức khỏe đầu người ở Việt Nam dự kiến tăng từ 170 USD năm 2017 lên 400 USD năm 2027, phản ánh nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ y tế. Đầu tư vào công nghệ chăm sóc sức khỏe, dược phẩm và thiết bị y tế sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm tải cho hệ thống y tế công.

Thứ ba, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo Global Infrastructure Outlook, Việt Nam sẽ cần khoảng 22,2 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng vào năm 2025, với mức tăng trưởng trung bình 4,3%/năm, con số này sẽ là 31,9 tỷ USD vào năm 2040. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có đủ nguồn lực để đáp ứng khoảng 82 - 83% lượng vốn này.

Thứ tư, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là công nghệ cấp nước sạch, xử lý rác thải và chất thải, cùng với mô hình kinh tế tuần hoàn, sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

- Theo ông, trong trường hợp chính sách tài khóa không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, Việt Nam cần thêm những hình thức tài trợ nào từ khu vực tư nhân hoặc quốc tế?

Có thể thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút trên 31,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, các tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam, như Amkor với 1,07 tỷ USD, LG với 1 tỷ USD, Hyosung với 700 triệu USD, và Foxconn với 551 triệu USD.

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, nhưng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi vẫn đóng vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực thể chế.

Hợp tác công - tư là giải pháp hiệu quả để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về PPP, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, từ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Nâng hạng TTCK sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tiếp cận nguồn vốn. Các chính sách tài chính - tín dụng cần được thiết kế phù hợp để hỗ trợ DNNVV huy động, phân phối và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Chính phủ cần thiết lập các định hướng chiến lược cho việc hình thành các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Điều này sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hỗ trợ nền kinh tế khi thắt chặt tài khoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO