Trước tình trạng nở rộ dự án “ma”, rao bán “lúa non”, tỉnh Hoà Bình khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
>>> Đánh thuế để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" bất động sản
Mới đây, Sở Xây dựng Hòa Bình công khai danh sách các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện và các dự án bất động sản đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng, bán trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 21 dự án bất động sản đủ điều kiện huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên, có tới 51 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và bán hàng.
Điểm tên hàng loạt dự án
Có thể kể tới các dự án: Khu dân cư số 3, số 4 của liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Sao Vàng và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Thái Hưng; Khu dân cư Phương Lâm của Công ty Cổ phần Xây dựng Sao Vàng; Khu đô thị sinh thái Trung Minh; Khu đô thị mới Hòa Bình… .
Một số dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn; Khu nhà ở Thăng Long Xanh tại xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn; Làng sinh thái Việt Xanh tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn…
Có thể bạn quan tâm |
Bên cạnh đó là các dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp sinh thái tại xã Mông Hóa; Dự án trồng rừng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Hiền Lương huyện Đà Bắc; Khu dân cư tổ 01, phường Tân Thịnh...
Trước tình trạng nở rộ các dự án bất động sản chưa được phép bán nhưng được chào bán rầm rộ, Sở Xây dựng đề nghị trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư hãy cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Sở khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trước khi tham gia các giao dịch bất động sản cần tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản được công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hòa Bình và tỉnh Hòa Bình hoặc có thể liên hệ tới Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Hòa Bình để có được thông tin chính xác nhất.
Siết chặt dự án “lúa non”
Tại Công văn số 1281/UBND-KTTH UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai cùng các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng chuyển nhượng bất động sản nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế.
Nắm bắt thông tin về giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên thị trường để có biện pháp kiểm tra, vận động và đấu tranh yêu cầu người nộp thuế tự giác khai trung thực về giá chuyển nhượng bất động sản.
Công chức thuế trong quá trình giải quyết hồ sơ cần căn cứ vào các thông tin thu thập được để đánh giá sự phù hợp của mức giá kê khai so với giá giao dịch thực tế trên thị trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất đối với các khu vực, vị trí, đoạn đường của các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; dự án nhà ở có thu tiền sử dụng đất đã phát sinh trong năm nhưng chưa có trong Bảng giá đất, để cơ quan thuế có cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính cho người nộp thuế đảm bảo đúng quy định.
Công an tỉnh đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Phối hợp, hỗ trợ cơ quan thuế trong việc thu thập, xác minh thông tin về giá giao dịch bất động sản, làm cơ sở đấu tranh với các hành vi kê khai không trung thực về giá chuyển nhượng nhằm trốn thuế.
UBND các huyện, thành phố thực hiện quản lý, giám sát các bộ phận hành chính công trong việc xác định vị trí đất, xác nhận các hợp đồng giao dịch bất động sản đúng quy định.
Mạnh tay xử lý dự án maChia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng sự tồn tại của “các dự án ma” là trái pháp luật và cần được xử lý mạnh tay với bản thân các dự án cũng như cần truy cứu, xử lý triệt để trách nhiệm của cơ quản quản lý các cấp tại các địa phương trong việc để “dự án ma” hình thành, tồn tại. Theo bà Nhung, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư trong việc tránh xa các dự án ma. “Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng như chỉ tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản trên các kênh chính thống hoặc có thể liên hệ trực tiếp tới Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng các địa phương để có được thông tin chính xác nhất”, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung chia sẻ. Dưới góc độ thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng một khi hoạt động môi giới được chuyên nghiệp và quy chuẩn hóa thì có thể góp phần hạn chế, chấm dứt các dự án ma. “Khi việc giao dịch bất động sản phải qua sàn cũng như hoạt động của các sàn được giám sát một cách chặt chẽ thì sản phẩm từ các dự án ma, không chính thống sẽ không còn cửa để mua bán nữa”, TS. Đính bày tỏ. |
Có thể bạn quan tâm