Huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7 nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa thương hiệu loại quả này vươn xa hơn trên thị trường.
>>Hòa Bình: Cần làm gì để giữ vững thương hiệu cam Cao Phong?
Theo UBND huyện Cao Phong, từ năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo ra bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của huyện, mở ra một hướng mới xây dựng Cao Phong thành huyện sản xuất hàng hóa tập trung về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đến năm 2016, Cam Cao Phong nằm trong "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng" và được Trung tâm khoa học công nghệ và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam.
Theo ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, hiện nay, các loại cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VIETGAP đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện đạt trên 1.700ha. Trong đó, diện tích cây cam trên 1300 ha, cây bưởi trên 250ha; sản lượng niên vụ năm 2022 – 2023 khoảng hơn 20.000 tấn.
Ông Ngoan cho biết, tại Lễ hội truyền thống cam Cao Phong lần thứ 7 (từ ngày 25/11 – 02/12) có 70 gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm cam, quýt, bưởi các loại, các sản phẩm OCOP của huyện, các sản phẩm nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của các xã, thị trấn, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong huyện; 120 gian hàng thương mại tổng hợp với sản phẩm của các làng nghề truyền thống và các gian hàng giới thiệu, hướng dẫn các điểm thăm quan du lịch.
Với chất lượng đã được khẳng định, cam Cao Phong đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước lựa chọn, trở thành nông sản đặc trưng, tiêu biểu nhất, là thế mạnh để huyện Cao Phong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Anh Dương Văn Cường, Phó Giám đốc HTX Hà Phong (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, lễ hội đã giúp các HTX, doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới đông đảo khách hàng tại Hòa Bình và các tỉnh lân cận. HTX xã Hà Phong có 9 sản phẩm trưng bày, trong đó 8 sản phẩm được chế biến sâu từ quả cam. Các sản phẩm đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đồng thời, anh Cường bày tỏ mong muốn có nhiều hội chợ tương tự để các Hợp tác xã có sản phẩm chế biến nông sản được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác, giúp sản phẩm được phát triển rộng rãi, đảm bảo kinh tế cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã.
Những năm qua, để gìn giữ, phát triển thương hiệu cam, huyện Cao Phong chú trọng các giải pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm, như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc gìn giữ, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ và phát huy giá trị Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong tiếp tục là bài toán đặt ra mà cách giải cần được kết hợp với mọi yếu tố riêng có ở nơi này. Thiết nghĩ, người dân nên bỏ quan niệm cạnh tranh bằng giá cả, mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi chất lượng, thương hiệu sản phẩm đã được khẳng định với người tiêu dùng thì giá thành không còn là yếu tố quan trọng nữa. Thương hiệu đến từ sự công nhận của khách hàng mới là thương hiệu bền vững nhất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến, kiểm soát, dịch vụ. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện những dự án trong quy hoạch. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, ông Sứ nhấn mạnh.
Nhân dịp này, huyện Cao Phong đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hợp tác xã cùng chung tay góp sức đầu tư khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; phối hợp kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá với mục tiêu phát triển sản phẩm cam Cao Phong cả về số lượng, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường nông sản Việt.
Một số hình ảnh khác tại Lễ hội cam Cao Phong, diễn ra từ ngày 25/11 – 02/12:
Có thể bạn quan tâm
Hòa Bình: Cao Phong đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hướng tới 20 năm thành lập
12:55, 18/01/2022
Cam Bắc Quang và Cao Phong từ “vườn đến bàn ăn” bằng Sendo
16:35, 23/11/2021
Hòa Bình: Cần làm gì để giữ vững thương hiệu cam Cao Phong?
10:08, 04/05/2022
Cơ hội cho nông sản Việt "cất cánh"
02:00, 24/11/2022
Festival sản phẩm nông sản, OCOP gắn kết du lịch 2022
03:42, 12/11/2022