CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen) trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, thực sự cần những quyết định có dấu ấn mạnh mẽ hơn để luôn là một “ông lớn” vững vàng không phải lo bài toán “vượt lên chính mình”.
Hoa Sen vừa chấm dứt hoạt động 70 chi nhánh trực thuộc. Kế hoạch này nằm trong nội dung tái cơ cấu hệ thống kênh phân phối– chuyển đổi chi nhánh thành cửa hàng trực thuộc Chi nhánh Tỉnh..
“Ông Vũ không bỏ doanh nghiệp lên núi”
Trao đổi với DĐDN sáng 16/4, một đại diện từ Hoa Sen khẳng định, không có chuyện ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen bỏ bê doanh nghiệp để lên núi tĩnh tu như một số thông tin đã đưa. “Việc Chủ tịch Lê Phước Vũ “lùi lại” phía sau để nhường sân cho các nhà điều hành đi theo đúng định hướng chiến lược Tập đoàn là hợp lý. Ông Vũ luôn sát sao với mọi hoạt động doanh nghiệp”, vị đại diện trên khẳng định.
Theo dõi hoạt động của Hoa Sen trong nhiều năm, có thể thấy việc “bỏ bê doanh nghiệp” cũng không phải là phong cách của ông Lê Phước Vũ, đặc biệt khi Hoa Sen vừa là đứa con tinh thần, vừa là sản nghiệp của chính ông và các cổ đông.
Có thể bạn quan tâm
11:15, 09/01/2019
04:30, 25/12/2018
06:30, 25/11/2018
14:17, 31/10/2018
Tại thời điểm hiện nay, trên sổ sách, ông Lê Phước Vũ đang nắm 11,74% cổ phần Hoa Sen. Tuy nhiên, hai tổ chức cổ đông lớn là Cty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen và Cty TNHH Đầu tư Hoa Sen, đang nắm lần lượt 24,33% và 20,36% cổ phần Hoa Sen, lại là những đơn vị mà ông Lê Phước Vũ nắm tỷ lệ kiểm soát lợi ích kinh tế lớn.
Tái cơ cấu hệ thống phân phối
Một trong những thế mạnh để Hoa Sen giữ được thị phần tôn 34% trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt là hệ thống phân phối. Chính vì vậy, thông tin HSG đóng cửa cùng thời điểm tới 70 chi nhánh trên cả nước và dự kiến sẽ còn tiếp tục đóng cửa nhiều chi nhánh tới đây, có thể ví như một thất bại.
1.000 là tổng số chi nhánh/ cửa hàng trên cả nước mà Tập đoàn Hoa Sen dự kiến sẽ mở mới trong niên độ 2018- 2019,.
Tuy nhiên trong giai đoạn cạnh tranh mới, Tập đoàn này chẳng dại gì rời bỏ lợi thế hệ thống kênh phân phối theo cách ngầm hiểu. Bởi nếu như giai đoạn trước, Tập đoàn này đặt mục tiêu mở 500 chi nhánh/cửa hàng trên cả nước, thì từ niên độ 2018-2019, họ đặt mục tiêu mở mới tới 1.000 cửa hàng. Và việc đóng cửa các chi nhánh này, theo công văn của Tập đoàn này báo cáo lên UBNCK, chính là để tái cơ cấu hệ thống phân phối theo theo mô hình chi nhánh tỉnh. Tại mỗi tỉnh/thành sẽ chọn 01 chi nhánh để thành lập chi nhánh tỉnh. Các chi nhánh còn lại trong tỉnh/thành đó sẽ được chuyển đổi thành cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh (với hình thức pháp lý là "Địa điểm kinh doanh").
Theo đó, Hoa Sen trước mắt sẽ có 56 chi nhánh tỉnh và hơn 400 cửa hàng trực thuộc các chi nhánh tỉnh tại từng Tỉnh/Thành. Hoa Sen cũng khẳng định kế hoạch này không xuất phát từ lý do kinh doanh không hiệu quả và cũng không làm ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng hệ thống phân phối đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Liệu có vượt lên chính mình?
Có thể nói, việc chuyển đổi hệ thống phân phối của Hoa Sen mới chỉ là 1 trong những chuyển động thấy được của Tập đoàn này trong giai đoạn ông lớn ngành thép cần thể hiện rõ các động thái vượt qua khó khăn của cạnh tranh ngành và những áp lực của đòn bẩy tài chính cho các dự án đầu tư lớn.
Bên cạnh đối phó với một thị trường cạnh tranh khốc liệt và biến động giá nguyên liệu có thể tác động đến tồn kho cũng như hoạt động của doanh nghiệp, là nợ vay do sử dụng đòn bẩy tài chính nói trên.
Năm tài chính 2017 - 2018, Tập đoàn có số dư nợ phải trả là hơn 16.053 tỷ đồng. Thời gian vừa qua, Hoa Sen cho biết đã thực hiện tái cấu trúc, với việc giảm khoảng 3.500 tỷ đồng hàng tồn kho so với thời điểm đỉnh cao trước đó, giúp giảm dư nợ vay vốn và áp lực chi phí lãi vay. Tuy nhiên tổng nợ phải trả của Tập đoàn vẫn ở mức cao và áp lực chi phí lãi vay cộng chênh lệch tỷ giá với khoản vay bằng USD vẫn là bài toán mà Hoa Sen phải xử lý, song song với việc tiết giảm chi phí và tăng cường quản trị chất lượng hoạt động.
Trong giai đoạn hiện nay, Hoa Sen thực sự cần những quyết định có dấu ấn mạnh hơn, qua đó khẳng định Tập đoàn không “yên vị” ngôi vua tôn – vị trí luôn có nguy cơ bị chia phần, hay vẫn chìm trong áp lực “nợ trả dần”, mà luôn là một ông lớn không phải lo tìm cách “vượt lên chính mình”.
Áp lực cạnh tranh nội địa khốc liệt Năm 2019, ngành thép được dự báo sẽ còn chịu tác động với những diễn biến theo chiều hướng phức tạp, bất ổn và khó lường. Các doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với sự sàng lọc lớn của thị trường. Những doanh nghiệp đầu ngành trong nước đã có những nỗ lực để hướng đến chủ động với kịch bản sàng lọc này. Trong đó đáng chú ý, sự đầu tư quá lớn của Hòa Phát và Khu Liên hợp Dung Quất đang tạo ra một nguồn cung mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp cận mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh nội địa khi doanh nghiệp Nam tiến. Ở lĩnh vực tôn, một ngách riêng của ngành thép, theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dựa trên sản lượng bán của những thành viên VSA - đã loại trừ sản lượng bán của Cty Perstima Việt Nam do sản xuất tôn mạ thiếc vì tôn mạ thiếc không phục vụ ngành công nghiệp xây dựng, dù khó khăn, đến cuối 2018 Hoa Sen vẫn giữ 34% thị phần. Phương Nam 6%, Sunsteel 5% và BlueScope 3%; 52% còn lại thuộc về doanh nghiệp khác. Ở lĩnh vực ống thép, Hòa Phát đang dẫn đầu với 27%, Hoa Sen đứng thứ 2 với 18%, Seaha đứng thứ 8% và 47% thuộc về các doanh nghiệp khác. Có thể nói cạnh tranh nội đia của tôn và ống thép là một chiến trường khốc liệt mà các doanh nghiệp đã và đang không ngừng thay đổi, đầu tư và liên tục đầu tư, đồng thời làm mới mình để chiếm lĩnh từng % thị phần tiêu thụ, đặc biệt trên cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát hay Hoa Sen, tiêu thụ nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cấu trúc nguồn thu. |