Trước thực tế vẫn còn không ít những khó khăn vướng mắc, theo chuyên gia, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thách thức của biến đổi khí hậu. Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành ưu tiên mang tính chiến lược của Chính phủ để giải quyết các thách thức này.
Thời gian vừa qua, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã đưa ra những quy định, pháp lý rất cụ thể, đặc biệt, năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là những cơ sở tạo thuận lợi cho phát triển loại hình kinh tế này. Tuy vậy, vẫn còn không ít những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách khi doanh nghiệp muốn áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu là hoàn thiện chính sách nên còn hạn chế trong nhận thức về kinh tế tuần hoàn, cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện. Ngoài ra còn hạn chế về dữ liệu, thông tin, khả năng hấp thụ thông tin về kinh tế tuần hoàn, nguồn lực phát triển như con người, tài chính và thiếu động lực tài chính.
Đáng nói, việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn sơ khai, chưa thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia đồng bộ. Các doanh nghiệp có thực hiện sản xuất tuần hoàn nhưng tập trung vào tuần hoàn tài nguyên, hạn chế chất thải. Mục tiêu chính trong sản xuất kinh doanh chính là yếu tố kinh tế và đặc biệt là có sự khác biệt với một số nước trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Trước thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự chuyển biến toàn diện, từ thay đổi tư duy, nhận thức đến điều chỉnh về chiến lược, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thể chế hóa. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách. Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần rỡ bỏ các rào cản.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam, các chủ thể doanh nghiệp, hộ gia đình phải là những chủ thể trung tâm của chính sách kinh tế tuần hoàn, nhưng vai trò, nguồn lực, các công cụ chính sách dành cho các chủ thể này thường lu mờ, ít được quan tâm trong các chính sách về kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn lực. Đầu tư cho hoạt động R&D, khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Kinh tế tuần hoàn thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn lực. Đầu tư cho hoạt động R&D, khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Kinh tế tuần hoàn thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khiêm tốn.
Do đó, theo TS Hà Huy Ngọc, trong giai đoạn tới, muốn trở thành quốc gia tiên phong, mẫu hình trong chuyển đổi xanh, phát triển xanh, thì chủ thể thực hiện chính là doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cần kiến tạo cơ chế, chính sách tốt nhất, nguồn lực tốt nhất để doanh nghiệp và người dân thực hiện các dự án, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo đó, lãnh đạo bộ, ngành và các địa phương phải xem chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là việc yêu cầu thật sự cấp thiết, cấp bách, từ cam kết chính trị thì phải được cụ thể hoá triển khai thực hiện trong thực tế. Trước mắt thực hiện một cách thực chất, có hiệu quả việc lồng ghép các mục tiêu và định hướng quan trọng quy hoạch tỉnh và chiến lược ngành, liên ngành, kèm theo kế hoạch hành động ưu tiên trong 2025 - 2030.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy có mô lớn, công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái.
“Đặc biệt, để đưa các chính sách liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào dòng chảy cuộc sống, cần nhanh chóng ban hành cơ chế thử nghiệm cho ngành và lĩnh vực này nhằm thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam…”, TS Hà Huy Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường.
“Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội...”, PGS-TS Nguyễn Đức Minh bày tỏ.