Để thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là trong việc hoàn thiện khung pháp lý về ESG.
>> Cách vượt qua thách thức theo đuổi ESG
Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn ESG (Environment, Social, Governance) đã trở nên nổi bật trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư và các bên liên quan nhận thức rõ hơn về tác động của các khoản đầu tư của họ đối với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trên thế giới, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước ngày càng ban hành nhiều quy định và chính sách thúc đẩy các ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG.
Tại Việt Nam, với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới mục tiêu này.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, nỗ lực đầu tư cho vay tín dụng xanh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có 80% - 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường. Một số ngân hàng cũng đã ban hành “Khung tín dụng xanh”, “Khung khoản vay bền vững” nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lí nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Không ít tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, hiện việc thực hành ESG trong tài chính, ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, hiện chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm cơ sở tổ chức tín dụng xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh; thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành về ESG.
Ngoài ra, năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của các doanh nghiệp là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tác động đến hiệu quả hoạt động cấp tín dụng, quản lỷ rủi ro của tổ chức tín dụng...
>> Thực hiện ESG không thể thiếu giải pháp giám sát năng lượng
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank cho biết, tín dụng xanh tại Agribank thời gian gần đây tốc độ tăng trưởng không được như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân. Trong số đó, tiêu chí cho vay xanh và danh mục xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được ban hành. Bên cạnh đó, việc lựa chọn khách hàng "xanh" cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
Do đó, Agribank đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành danh mục tín dụng xanh, tiêu chí xanh để doanh nghiệp và bản thân ngân hàng dễ dàng lựa chọn các dự án cũng như các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp, ngân hàng triển khai ESG.
“Nguồn vốn hiện nay cho vay xanh của ngân hàng là nguồn vốn thương mại thông thường, huy động từ dân cư và không có nguồn vốn tài trợ nào từ các tổ chức quốc tế hay Chính phủ để cho vay hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn đối với các tổ chức cho vay”, bà Hà chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kinh nghiệm quốc tế trong triển khai ESG cho thấy cơ quan quản lí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bền vững của hệ thống ngân hàng. Nhìn từ góc độ của Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những bước khởi đầu nhất định trong nỗ lực thúc đẩy hệ thống tài chính hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thúc đẩy các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng ESG, cần phát huy nhiều hơn vai trò của cơ quan quản lí.
“Theo đó, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lí về ESG trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các ngân hàng thương mại; xây dựng công cụ đánh giá và xếp hạng ESG về mức độ cam kết và thực thi ESG…” TS. Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, những ngân hàng sớm bắt tay vào đánh giá rủi ro ESG và xác định chiến lược cùng lộ trình kịp thời sẽ có những lợi thế đi đầu trong quá trình chuyển đổi bền vững. Để nắm bắt được những cơ hội này, các ngân hàng thương mại cần bổ sung và thiết lập các chiến lược về phát triển bền vững gắn liền với các cam kết về ESG, cùng với đó, tinh chỉnh bộ máy, xây dựng bộ phận chuyên trách về các vấn đề ESG.
Có thể bạn quan tâm
Tạo niềm tin và uy tín với đối tác từ thực hành ESG
02:30, 23/07/2024
Đón vốn ESG - Bài 2: Kỳ vọng và thực tế
03:40, 21/07/2024
Đón vốn ESG - Bài 1: Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?
11:00, 19/07/2024
Giá trị của doanh nghiệp niêm yết ra sao khi đầu tư ESG?
09:55, 02/07/2024
Cách vượt qua thách thức theo đuổi ESG
02:30, 18/07/2024