Khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 khiến lợi nhuận sụt giảm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) dự kiến chưa chi trả cổ tức năm 2019, đồng thời phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2019 của ASM, doanh thu thuần năm 2019 đạt 14.223 tỷ đồng, tăng 60,05% so với năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) chỉ đạt 823 tỷ đồng, giảm 31,27% so với năm 2018.
Lý giải về nguyên nhân có sự sụt giảm LNST như trên, Ban lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cho rằng, mức tăng doanh thu lên đến 60,05% chủ yếu do tăng ở mảng kinh doanh ngoài bất động sản, nhưng mảng này lại có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Bên cạnh đó, doanh thu mảng tài chính giảm 45,41%, tương đương với 168 tỷ đồng. Mảng thu nhập khác cũng giảm 80,93%, tương đường với gần 386 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt là 34,78% và 18,33% cũng góp phần làm giảm LNST của ASM trong năm tài khóa 2019.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của ASM cũng giảm khá mạnh ở hầu hết các chỉ tiêu. Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp các dịch vụ đạt 3.185 tỷ đồng, giảm 8,60% so với cùng kỳ năm 2019. LNST đạt 151 tỷ đồng, giảm 51,65% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên, theo lãnh đạo ASM là do trong quý I/2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng lớn đến hàng hóa xuất khẩu và tình hình tiêu thụ bất động sản. Trong khi doanh thu về tài chính sụt giảm 49,90%, tương đương với hơn 47 đồng, thì chi phí về tài chính lại tăng khá cao, lên mức 62,20%, chủ yếu do tăng các khoản vay từ dự án năng lượng mặt trời. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý I của ASM cũng tăng 17,51%, tương đương với gần 8,6 tỷ đồng.
Năm 2020, ASM đặt chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu thuần đạt 14.700 tỷ đồng, tăng 12,26% so với năm 2019; LNST đạt 870 tỷ đồng, tăng 5,71% so với năm 2019. Phương án chi trả cổ tức cho năm 2020 với tỷ lệ từ 10 – 20%.
Tại ĐHĐCĐ năm 2020, HĐQT ASM trình cổ đông nhiều phương án quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là phương án phân phối lợi nhuận của năm 2019. Theo đó, HĐQT đề xuất trích lập 03 quỹ (Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ dự phòng tài chính; Quỹ khen thưởng và phúc lợi), với tổng số tiền trích lập là 10 tỷ đồng.
Về phương án chi trả cổ tức, HĐQT ASM trình cổ đông phương án không thực hiện chi trả cổ tức năm 2019, mà dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo HĐQT ASM, việc chưa chi trả cổ tức năm 2019 nhằm đảm bảo an ninh tài chính cho Công ty trong công cuộc phòng chống suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, động thái này nhằm tránh pha loãng cổ phiếu dưới hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, một nội dung khác cũng được HĐQT ASM trình ĐHĐCĐ lần này là thông qua phương án huy động vốn bằng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm. Với mệnh giá trái phiếu dự kiến là 1 tỷ đồng, số lượng trái phiếu phát hành dự kiến tối đa là 500 trái phiếu, tổng giá trị huy động tối đa là 500 tỷ đồng. Mục đích phát hành trái phiếu nhằm sử dụng, đầu tư vào các dự án được triển khai trong năm 2020 và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ASM.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu ASM đang có sự hồi phục, tuy nhiên, mức độ hồi phục vẫn còn ở mức thấp, sức ì của cổ phiếu chưa được cải thiện. Giá trị cổ phiếu ASM vẫn đang ở mức dưới giá sàn, dao động quanh mức 5.000 – 6.500đ/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu cũng chỉ đang ở mức trung bình.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu ASM ít có khả năng hồi phục ngay trong quý II, do thị trường xuất khẩu vẫn còn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đặc biệt là thị trường Châu Âu và Mỹ chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là thị trường BĐS trong nước đang trong giai đoạn trầm lắng khiến doanh thu và lợi nhuận trong quý II của ASM khó có thể đạt được như kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
10:38, 23/09/2019
06:15, 22/01/2020
09:00, 07/01/2020
06:53, 03/01/2020