Đây là một trong những nội dung nổi bật của Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.
Báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hôm nay (12/1). Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 được xây dựng trên cơ sở thực tiễn kinh doanh và những nghiên cứu chuyên sâu. Báo cáo hướng tới độc giả là các cơ quan quản lý nhà nước cả ở cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo những người quan tâm đến pháp luật kinh doanh.
Đây là báo cáo rất hữu ích cho những người cần có cái nhìn tổng quan về pháp luật kinh doanh của Việt Nam hay muốn tìm hiểu sâu về những chủ đề pháp luật kinh doanh quan trọng.
Trình bày dòng chảy Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp.
“Tuy chưa thực sự minh bạch và hợp lý, nhưng các quy định về của Luật Thanh tra cũng đã giúp tránh sự tuỳ tiện hoặc lạm quyền của nhiều cơ quan, cán bộ đối với doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra.
Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.
“Chính vì vậy, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra. Năm 2020, Bộ Tài chính soạn thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Dự thảo sẽ trao quyền cho các cơ quan của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, dự thảo lại không làm rõ mối quan hệ giữa việc thanh tra và kiểm tra, không rõ doanh nghiệp có bị thanh tra và kiểm tra về cùng một nội dung hay không.
Thêm vào đó, dự thảo cũng chưa làm rõ nhiều vấn đề của hoạt động kiểm tra như căn cứ kiểm tra đột xuất, thời điểm công bố kế hoạch kiểm tra, thời hạn ra kết luận kiểm tra và cung cấp cho doanh nghiệp, cũng như chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào việc lựa chọn doanh nghiệp bị kiểm tra hay hợp đồng dịch vụ để kiểm tra.
Ông Tuấn nhấn mạnh dự thảo này là một ví dụ minh hoạ cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định để minh bạch hoá và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.
“Đây là vấn đề cần được nghiên cứu và khắc phục trong tương lai, có thể qua việc sửa đổi Luật Thanh tra để bao gồm cả hoạt động kiểm tra”, ông Tuấn nhấn mạnh.