Vấn đề tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và kiểm tra tiếp tục là nội dung được nhiều sự quan tâm trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã chỉ rõ “Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ trí tuệ nhân tạo cảnh báo sớm về các nguy cơ vi phạm pháp luật. Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật”.
Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi (Dự thảo) hiện vẫn còn chưa thực sự phù hợp, có thể dẫn đến chồng chéo trong thực thi, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước và môi trường đầu tư. Trên tinh thần đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo theo hướng minh bạch, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu cải cách.
Góp ý vào Dự thảo, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, ĐBQH TP Hà Nội tập trung phân tích về nội dung trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra theo Điều 61 của Dự thảo.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà chỉ rõ, theo quy định hiện hành, các thủ trưởng cơ quan chuyên môn thường có bộ phận thanh tra chuyên ngành thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư. Trên thực tế, hai hoạt động thanh tra và kiểm tra thường được triển khai song song, không được phân định rạch ròi, dẫn đến tình trạng chồng chéo, gây tốn kém chi phí tuân thủ và tạo ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hệ thống thanh tra sau sắp xếp đã có sự phân biệt rõ ràng, thanh tra là chức năng chuyên trách, còn kiểm tra là trách nhiệm nội bộ của thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành thì Dự thảo cần có quy định cụ thể để điều phối hai hoạt động này, đảm bảo hiệu quả và tránh trùng lắp.
“Cần bổ sung khái niệm kiểm tra tại Điều 2 để làm rõ chủ thể thực hiện, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức; đồng thời, tại Điều 61, cần bổ sung nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra, giao Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh vai trò đầu mối trong điều phối kế hoạch”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ lo ngại về khả năng chồng chéo sau khi thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra.
Theo ông Trần Đình Gia, việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cũng như hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
“Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu rà soát việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị.
Nhấn mạnh về vấn đề hoạt động thanh tra và kiểm tra cần tránh chồng chéo, đại biểu Phạm Văn Hòa, ĐQBH tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay thanh tra chuyên ngành không còn nhưng bộ, ngành vẫn có quyền kiểm tra chuyên ngành của ngành mình, trong khi Thanh tra Chính phủ cũng thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
“Đã thanh tra là thanh tra nội dung vấn đề đó rồi, bây giờ kiểm tra chuyên ngành của bộ, ngành cũng vào thực hiện công tác kiểm tra nữa, tôi thấy ở đây có những hoạt động sẽ trùng lắp, sẽ gây khó khăn cho hoạt động của đối tượng thanh tra rất lớn”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Đồng thời, kiến nghị cần xây dựng quy chế rành mạch, quy định rõ ràng giữa thanh tra và kiểm tra để tránh lặp lại, trùng lắp, và cần phân biệt rõ quyền xử phạt và thẩm quyền của mỗi bên.