Nghiên cứu - Trao đổi

Không để doanh nghiệp “gánh” thanh tra trùng lắp, chồng chéo

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 11/05/2025 05:43

Nhiều ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần bổ sung, thể chế các nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra trong Nghị quyết 68-NQ/TW.

Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác lập nguyên tắc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vẫn giữ quy định “dấu hiệu vi phạm” là chưa nhất quán, có nguy cơ tạo dư địa cho lạm dụng, chồng chéo. Từ thực tế này, yêu cầu đặt ra là phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan đến thanh tra, kiểm tra để bảo đảm sự thống nhất, loại bỏ xung đột pháp lý và thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết 68.

QT2_9640 (1)
Nghị quyết 68 đã xác lập nguyên tắc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân là một cột mốc quan trọng, kế thừa những tư tưởng lớn của Đảng trong nhiều năm qua, đồng thời thể hiện bước chuyển về tư duy, với nhiều nội dung đột phá, định hình tầm nhìn phát triển đến năm 2045.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 68 có đề cập đến việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi (Dự thảo Luật) lại quy định tiến hành thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là không đúng với tinh thần Nghị quyết 68.

“Bằng chứng rõ ràng khác với dấu hiệu vi phạm (dấu hiệu thì có thể có hoặc không có vi phạm trên thực tế). Do vậy, đề nghị sửa đổi dự thảo luật theo tinh thần Nghị quyết 68, chỉ tiến hành thanh tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm, người ra quyết định thanh tra chịu trách nhiệm về quyết định của mình, để tránh tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu phân tích.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, rà soát toàn diện Dự thảo luật để thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Đảng, Bộ Chính trị.

Đặc biệt, theo đại biểu Tạ Đình Thi, trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã yêu cầu phải chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm.

“Nghị quyết cũng nêu rõ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.

QT2_9527 (1)
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vẫn giữ quy định “dấu hiệu vi phạm” là chưa nhất quán, có nguy cơ tạo dư địa cho lạm dụng, chồng chéo

Cũng góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần bổ sung, thể chế các nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra trong Nghị quyết 68. Trong đó chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài, không cần thiết; chỉ thực hiện thanh tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp và xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng khi Dự thảo Luật trình Quốc hội chưa có Nghị quyết 68 nên cần rà soát kỹ lưỡng các điều khoản trong dự án luật, thể chế hóa đầy đủ nghị quyết… Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tiếp tục rà soát kỹ quy định của dự thảo luật với các luật chuyên ngành, đặc biệt là cơ chế phối hợp của Thanh tra Chính phủ với các bộ không tổ chức thanh tra bộ.

“Nếu không làm kỹ, không có văn bản, quy định hướng dẫn chi tiết có thể dẫn đến khoảng trống pháp lý khi thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt là có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Vì vậy cần có giải pháp, quy định cụ thể trong Dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở nguyên tắc được xác lập trong Luật”, đại biểu Sơn đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không để doanh nghiệp “gánh” thanh tra trùng lắp, chồng chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO