Nghiên cứu - Trao đổi

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế: Bước đột phá thể chế tiếp sức doanh nghiệp

Yến Nhung 09/05/2025 04:00

Với nhiều điểm đột phá trong tư duy pháp lý và kinh tế, Nghị quyết 68 được cho là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển.

Theo đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang tạo nên làn sóng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng đề cập thẳng thắn và cụ thể đến nguyên tắc "không hình sự hóa các sai phạm kinh tế", đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thể chế.

Sửa luật cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật - Ảnh: ITN
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang tạo nên làn sóng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: ITN

Cụ thể, Nghị quyết 68 nêu rõ sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Bày tỏ sự tâm đắc với nội dung này, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đánh giá đây là chủ trương rất kịp thời, tháo gỡ rào cản tâm lý lớn cho giới doanh nhân, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.

“Trước đây, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự khiến nhiều doanh nghiệp e dè, ngại đầu tư. Nghị quyết 68 ra đời giúp củng cố lòng tin, tạo môi trường pháp lý an toàn hơn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

“Bên cạnh đó, tôi rất trông chờ sửa đổi các đạo luật liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hình sự, dân sự… theo yêu cầu của Nghị quyết 68 nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, nhất quán hơn trong xử lý tranh chấp, không để doanh nghiệp rơi vào thế bị động, mơ hồ. Doanh nghiệp đang chờ đợi những bước tiến này đi vào cuộc sống", ông Nghĩa bày tỏ.

photo-3-16630291374791120387607.jpg
Đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng đề cập thẳng thắn và cụ thể đến nguyên tắc "không hình sự hóa các sai phạm kinh tế" - Ảnh: ITN

Đồng quan điểm, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn Luật sư TP HCM cũng bày tỏ ấn tượng trước nội dung này của Nghị quyết 68. Ông cho biết, trước đây mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh việc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”, nhưng đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng đề cập thẳng thắn, cụ thể vấn đề này.

"Đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp, doanh nhân bị xử lý hình sự vì các hành vi kinh tế, nhưng sau đó lại được xác định là oan sai. Điều này không chỉ gây tổn thất lớn về uy tín, tài sản mà còn khiến môi trường kinh doanh trở nên bất ổn. Điển hình như những vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực lan rộng, khiến thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề, buộc Chính phủ phải đưa ra hàng loạt giải pháp để cứu vãn", Luật sư Nghiêm dẫn chứng.

Theo ông Nghiêm, Nghị quyết 68 không chỉ cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, mà còn là giải pháp hỗ trợ thiết thực tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, an tâm phát triển lâu dài, lớn mạnh. Hay nói cách khác, nỗi hoang mang, lo lắng của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được giải tỏa. Từ đó sẽ kích thích giới doanh nhân mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh, mở rộng hoạt động hay thực hiện các hành vi kinh tế không bị pháp luật cấm.

“Nghị quyết 68 một lần nữa khẳng định về mặt chính sách của Đảng và Nhà nước và thật sự là bước tiến bộ lớn khi đề cập một vấn đề được xem là nhạy cảm trong quan hệ kinh tế, dân sự. Điều này là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ đối với các doanh nhân, thúc đẩy họ mạnh dạn và có niềm tin về việc Đảng và Chính phủ sẽ cải cách thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch", Luật sư Nghiêm nhấn mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận Nghị quyết 68 không chỉ là sự điều chỉnh về mặt nhận thức pháp lý, mà còn là minh chứng cho quyết tâm cải cách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh - những yếu tố then chốt để kinh tế tư nhân phát triển; là tín hiệu cải cách rõ ràng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, bình đẳng, từ đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế: Bước đột phá thể chế tiếp sức doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO