Tâm điểm

Niềm tin tạo xung lực phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới của dân tộc

Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings 08/05/2025 10:10

Nghị quyết 68-NQ/TW tạo bước đột phá về tư duy, nhận thức và niềm tin cho kinh tế tư nhân vươn lên, trở thành động lực chính thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành với tầm nhìn chiến lược sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đồng bộ, mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp, giới chuyên gia và các tổ chức quốc tế đánh giá cao tư duy đột phá và tính khác biệt của Nghị quyết 68, so với các văn kiện nghị quyết Trung ương khác đã được ban hành trước đây.

Cover2 (Cảng Hải Phòng)
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành đã thật sự tạo bước đột phá về tư duy, nhận thức mới và niềm tin cho kinh tế tư nhân vươn lên trở thành động lực chính thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Thứ nhất, đây là Nghị quyết lớn có tính chất lịch sử Đảng, Nhà nước được ra đời trong thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước với việc xác định rõ vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia, xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đồng thời cũng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững. Đây là động lực to lớn tạo niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân phát triển trong thời gian tới.

Thứ hai, là Nghị quyết 68, với sự đổi mới đột phá mạnh mẽ, kiên quyết và triệt để về các chính sách quản lý, thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ để giải phóng mọi nguồn lực phát triển cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, là đảm bảo kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, là cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với việc chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và vươn lên phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Thứ năm, là khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

Thứ sáu, là Nghị quyết 68 được đánh giá điểm sáng mới rất quan trọng, đó là trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện nay còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện đồng bộ và còn có nhiều quy định có sự chồng chéo, bất cập hoặc khoảng trống pháp lý trong môi trường hoạt động kinh doanh thì các hành vi được coi là không đúng, không phù hợp nhưng chưa cấu thành hành vi vi phạm sẽ không bị quy kết hình sự hóa vấn đề. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm và mạnh dạn dấn thân của lực lượng doanh nhân dân tộc để hướng tới sự sáng tạo, cạnh tranh phát triển và vươn lên mạnh mẽ trên thương trường trong nước và toàn cầu.

Với những tư duy, chiến lược phát triển và quyết sách quản lý mới của Đảng, Nhà nước sẽ tạo ra sự khích lệ, hào hứng và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Những hạn chế phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nhiều thập kỷ qua, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan cơ bản xuất phát một phần từ sự bất cập của hệ thống thể chế của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và kém hiệu quả, chính sách quản lý kinh tế, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế và chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, đã dẫn đến hệ quả sự đóng góp của khu vực này còn có nhiều hạn chế và không có sự thay đổi đáng kể trong nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt là trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu tập trung vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nếu kéo dài tình trạng này, sẽ có những tác động tiêu cực lớn trực tiếp đến khả năng nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam; đồng thời rất khó đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế cao trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan cơ bản của hệ thống doanh nghiệp tư nhân. Đó là, mặc khu vực kinh tế tư nhân có số lượng tương đối lớn, đa dạng với khoảng 01 triệu doanh nghiệp và hơn 05 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện đóng góp 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước tạo ra 40% việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế và đóng góp gần 60% vốn đầu tư xã hội.

Phung Xuan Minh
Ông Phùng Xuân Minh

Tuy nhiên, so với các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển thì vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân còn hết sức khiêm tốn. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính, tư duy chiến lược phát triển kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng quản lý còn nhiều hạn chế và chưa đạt được các điều kiện, tiêu chuẩn thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế.

Nhìn chung, các doanh nghiệp còn thiếu sự kết nối với hệ sinh thái kinh doanh trong nước và các doanh nghiệp FDI trong hoạt động kinh doanh, rất ít doanh nghiệp đầu tư thích đáng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng trong công tác hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn, chủ động nghiên cứu và dự báo tình hình để thích ứng với các điều kiện môi trường kinh doanh luôn biến động phức tạp và khó lường; ít chú trọng sáng tạo chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm, dịch vụ phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường và có thể tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì vậy, để khu vực tư nhân có thể thực hiện được sứ mệnh và hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng, đồng bộ sức mạnh các trụ cột thay vì chỉ dựa vào khu vực kinh tế nhà nước hoặc đầu tư FDI; từ đó, tạo sức mạnh "bó đũa" để xây dựng một nền kinh tế cường thịnh, tự chủ, thì càng cần phải có sự nỗ lực quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhà nước, có sự tham gia của người dân và sự dấn thân cống hiến của các thế hệ doanh nhân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Niềm tin tạo xung lực phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO