Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, chính thức xác lập khu vực này là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế.
Trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân – phân tích chiều sâu thể chế và đề xuất hướng hành động thực chất để đưa Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) vào đời sống. chính thức xác lập khu vực này là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế.
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 68 trong bối cảnh hiện nay?
Theo tôi, Nghị quyết 68 là một dấu mốc mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Kể từ sau Đổi mới năm 1986, kinh tế tư nhân dần được thừa nhận và khuyến khích phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản về chính sách và tư duy. Nghị quyết lần này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hành động đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Điểm nổi bật là Nghị quyết đã xác định rõ vai trò “động lực quan trọng nhất” của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là sự thay đổi về chính sách, mà còn là bước đột phá về lý luận, cho thấy chúng ta không còn bó hẹp trong tư duy cũ rằng kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ bao gồm kinh tế nhà nước hay tập thể.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 68 sẽ mở ra một thời kỳ bùng nổ mới cho khu vực kinh tế tư nhân, cả về quy mô, chất lượng và đóng góp vào tăng trưởng quốc gia. Nếu thực hiện hiệu quả, đầu tư tư nhân trong nước hoàn toàn có thể vượt cả đầu tư công. Quan trọng hơn, đây là bước đi mang tính "cởi trói", tháo gỡ những nút thắt từng kìm hãm sự phát triển của khu vực này suốt thời gian dài.
- Theo ông, đâu là những rào cản chính cản trở kinh tế tư nhân phát triển hiện nay?
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản lớn. Trước hết là rào cản về tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn. Khi doanh nghiệp nhà nước thường được ưu tiên, còn doanh nghiệp tư nhân chỉ hưởng lợi ở mức nhỏ giọt từ các chương trình hỗ trợ như PPP hay tín dụng ưu đãi. Điều này bắt nguồn từ tư duy phân biệt đối xử tồn tại dai dẳng về vai trò giữa các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước vẫn được xem là chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế.
Tiếp theo là rào cản về thủ tục hành chính. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách, nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp phải vô vàn khó khăn trong quá trình xin cấp giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh và thực hiện các điều kiện chuyên ngành. Các quy định nhiều khi phức tạp, chồng chéo, liên tục thay đổi và thiếu tính minh bạch đã làm gia tăng chi phí tuân thủ, chi phí phi chính thức và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
Một rào cản lớn khác là sự cạnh tranh không bình đẳng. Trong khi doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ các lĩnh vực độc quyền tự nhiên, thì các nhà đầu tư nước ngoài lại chiếm ưu thế ở nhiều ngành hàng hóa, dịch vụ có giá trị cao, thậm chí cả trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Điều này khiến doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp khó trong việc mở rộng quy mô và gia tăng năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, môi trường pháp lý và văn hóa kinh doanh vẫn chưa thực sự khuyến khích và bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
- Để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, theo ông cần cải cách gì về thể chế và luật pháp?
Một trong những vấn đề cốt lõi hiện nay là cần xóa bỏ triệt để cơ chế “xin – cho”, đặc biệt trong các ngành kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế, không phải bản thân các điều kiện kinh doanh là vấn đề, mà là cách thức áp dụng chúng. Nhiều điều kiện bị lạm dụng như công cụ để gây khó dễ, tăng chi phí phi chính thức, làm méo mó môi trường kinh doanh, đánh mất tính minh bạch và công bằng. Đây là lỗi của hệ thống thực thi, phản ánh tình trạng buông lỏng hoặc lạm quyền của một bộ phận cán bộ thực hiện. Do đó, để tháo gỡ tận gốc, cần rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, chồng chéo, gây cản trở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng. Tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc xây dựng một đạo luật về kinh tế tư nhân (như cách Trung Quốc vừa ban hành), trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến quyền bảo vệ tài sản và quyền tự do kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp tư nhân.
Về mặt chính sách, Nhà nước nên có các biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn như ưu đãi thuế, tín dụng, tiếp cận đất đai, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực… Đồng thời, cần mạnh dạn cho phép thành lập các khu kinh tế tư nhân, thung lũng công nghệ, khu công nghệ cao tư nhân để tạo không gian sáng tạo và cạnh tranh sòng phẳng với khu vực nhà nước.
Cuối cùng, việc triển khai Nghị quyết cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan. Chỉ khi toàn hệ thống cùng hành động vì một mục tiêu chung – kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng – thì kinh tế tư nhân mới thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đúng như tinh thần của Nghị quyết 68.
- Trân trọng cảm ơn ông!