Nghị quyết số 68-NQ/TW được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong cải cách môi trường kinh doanh với chủ trương giới hạn thanh tra, kiểm tra.
Trong bối cảnh nền kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác lập mục tiêu đến năm 2030, khu vực này sẽ là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Nghị quyết 68 đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp đột phá, trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách thể chế, loại bỏ những rào cản không cần thiết. Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết là chủ trương giới hạn việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần mỗi năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giảm áp lực hành chính, hạn chế tình trạng thanh - kiểm tra chồng chéo, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tính tự tuân thủ và chủ động trong quản trị nội bộ.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) đánh giá cao Nghị quyết 68 vì đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc các vấn đề then chốt của khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông, Nghị quyết đã đi thẳng vào gốc rễ bằng cách yêu cầu bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết – vốn là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận công bằng, hợp lý và với chi phí chấp nhận được về vốn, đất đai, lao động chất lượng cao.
“Điều đặc biệt là lần này Nghị quyết đề cập rất rõ, rất mạnh về việc sửa các quan hệ kinh tế. Cụ thể như quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần trong năm, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đây là giải pháp đi cùng với hạn chế, tránh tình trạng thanh tra chồng chéo. Khi doanh nghiệp càng lớn, càng mở rộng thì càng dễ bị can thiệp. Vì thế Nghị quyết lần này rất quyết liệt và đáng hoan nghênh”, TS Cung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá Nghị quyết 68 như một lời giải cho bài toán thanh tra trùng lắp, thiếu hiệu quả. Theo ông, việc giới hạn thanh tra một lần mỗi năm giúp giảm gánh nặng hành chính, chi phí tuân thủ. Doanh nghiệp không còn phải tiếp nhiều đoàn trong năm, đặc biệt ý nghĩa với doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa vô vàn khó khăn. Trước đây, mỗi cơ quan kiểm tra một lần nhưng một doanh nghiệp có thể tiếp nhiều đoàn. Quy định mới yêu cầu các cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu vi phạm, vẫn sẽ bị kiểm tra.
Đồng thời giúp phòng chống tiêu cực, lạm quyền. Hạn chế tần suất thanh tra sẽ giảm cơ hội vòi vĩnh, trục lợi, làm minh bạch hóa hoạt động thanh tra. Cơ quan quản lý không thể tùy tiện kiểm tra, mà phải dựa trên dấu hiệu vi phạm có bằng chứng chứ không chỉ đơn thư nặc danh. Điều này buộc cơ quan thanh tra phải có kế hoạch trọng điểm, làm việc trách nhiệm hơn.
Đặc biệt là đem lại lợi ích thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh. Doanh nghiệp biết trước kế hoạch sẽ có sự chuẩn bị, nâng cao tính tuân thủ, tránh bị động. Quan trọng hơn, điều này khuyến khích tính tự giác của doanh nghiệp tự kiểm tra nội bộ.
“Quy định này sẽ ép các ngành như thuế, môi trường, lao động phải phối hợp liên thông, nhất là khi nền tảng số đáp ứng được. Đây là bước cụ thể hóa quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao quy định giới hạn thanh tra, kiểm tra không quá một lần mỗi năm trong Nghị quyết 68, xem đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp và hạn chế tình trạng chồng chéo, phân tán nguồn lực. Giải pháp này không chỉ thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý kinh tế mà còn khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tính tự tuân thủ, chủ động kiểm soát nội bộ, tạo nền tảng cho một môi trường kinh doanh lành mạnh và ổn định hơn.