Hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch mới từ châu Âu

CẨM ANH 25/10/2021 05:00

Việc các ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng chóng mặt tại các nước châu Âu gióng lên hồi chuông về một đợt dịch mới bùng phát trong mùa đông năm nay.

Nhiều nước châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng cao

Nhiều nước châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng cao

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, với tỷ lệ tăng 7% số ca mắc mới, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca mắc gia tăng, chủ yếu ở Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, tổng số ca nhiễm mới tại châu Âu trong 7 ngày qua chiếm 38% tổng số ca ca mắc mới ghi nhận toàn thế giới, đưa châu lục này trở lại là “điểm nóng” của dịch COVID-19.

Tình hình dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp tại Anh. Con số lây nhiễm ở Anh đã trở lại mức cao chưa từng có từ giữa tháng 7 đến nay, cao gần gấp đôi so với hồi tháng Giêng, dù tỷ lệ tử vong hiện chỉ ở mức thấp nhờ chiến dịch tiêm chủng đại trà. So với các nước Tây Âu khác, Anh vẫn có tỷ lệ mắc, nhập viện và tử vong cao.

Tương tự, khu vực Đông Âu đang ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Các nước như Nga, Czech hay Ba Lan đều ghi nhận những con số đáng báo động về số ca mắc mới và tử vong. Trong 24 giờ, Nga có thêm 1.028 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng số người không qua khỏi được đẩy lên mức 226.353 ca, con số cao nhất tại châu Âu.

Hồi chuông cảnh báo này khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ Liên bang hôm 20/10 đã thông qua đề xuất "Những ngày không làm việc" nhưng vẫn được hưởng lương kể từ 30/10 đến 7/11 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thậm chí, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu quá nhanh, các khu vực sẽ được phép tự quyết định áp dụng "những ngày không làm việc" từ 23/10.

Tại Czech, tổng số ca bệnh hiện đã tăng lên 1,71 triệu ca. Số ca mắc mới trong ngày 19/10 cao gấp hai lần số ca ghi nhận trước đó một tuần. Số ca nhập viện cũng tăng cao so với thời điểm đầu tháng, chủ yếu ghi nhận ở những người chưa tiêm phòng. Trong khi đó, Ba Lan cũng lần đầu tiên kể từ tháng 5 ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 5.000 ca. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn hiện đang được giới chức nước này cân nhắc để kiềm chế đà tăng số ca bệnh mới.

Latvia là quốc gia đầu tiên tại châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa do COVID-19

Latvia là quốc gia đầu tiên tại châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa do COVID-19

Với việc số ca mắc mới gia tăng ở mức đáng báo động sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, giới chuyên gia ở thời điểm hiện tại đã đưa ra cảnh báo nguy cơ châu Âu phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh mới vào mùa Đông sắp tới.

Theo các chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tái bùng dịch tại châu Âu, trong đó tâm lý bài vaccine tại một số quốc gia dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ngay cả với Vương quốc Anh, số người trưởng thành hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là 65,9%, thấp hơn so với Pháp (66,1%), Italy (68,3%), Ireland (74,1%), Tây Ban Nha (78,6%) và Bồ Đào Nha (85,2%). Tỷ lệ tiêm vaccine ở người trẻ tuổi ở Anh cũng thấp.

Điều này càng làm gia tăng lo ngại khi biến chủng mới AY.4.2 đang chiếm 6% ca nhiễm ở Vương quốc Anh và có khả năng lây lan nếu không có biện pháp hạn chế lây nhiễm. Hiện nay Anh không ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi đông người ngoại trừ trên phương tiện giao thông công cộng, tụ tập đông đúc trong không gian kín, suy giảm kháng thể sau tiêm chủng.

Tiến sĩ Eric Cioe-Peña, giám đốc y tế toàn cầu của Northwell Health tại New Hyde Park, New York cảnh báo, châu Âu sắp bước vào mùa đông, thời điểm lý tưởng để virus sinh sôi và nguy cơ lây lan tiềm ẩn từ những biến thể của SARS-CoV-2. Mặt khác, đây cũng là khoảng thời gian bùng phát bệnh cúm mùa, dễ làm  làm gia tăng sức ép lên hệ thống y tế vốn chưa được phục hồi sau các đợt dịch vừa qua.

"Một số dữ liệu cho thấy AY.4.2 có thể lây nhiễm nhanh hơn 10% so với biến thể Delta đang phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là biến chủng này nguy hiểm hơn. Do đó, các chuyên gia vẫn cần theo dõi chặt chẽ và các biện pháp hạn chế tiếp xúc cần được châu Âu triển khai nhanh chóng vào thời điểm hiện tại", chuyên gia này khuyến cáo.

Những gì đang diễn ra tại châu Âu cho thấy, các nước không thể chậm trễ trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân và vội vàng trong việc "sống chung cùng COVID-19". Dù các nước đã được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với dịch bệnh nhưng rủi ro tái bùng phát dịch bệnh vẫn còn tương đối cao.

Theo Tổng Giám đốc Viện Vaccine quốc tế, ông Jerome Kim, khả năng xét nghiệm ở những nước có thu nhập thấp đang tạo ra “điểm mù” trong quá trình phát hiện và đề phòng các biến thể mới của SARS-CoV-2. Hơn nữa, khi các nước mở cửa trở lại, khôi phục hoạt động du lịch, việc virus lây lan từ khu vực này tới khu vực khác là điều khó tránh.

Giới quan sát cảnh báo, tiêm chủng vẫn là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Nếu một đợt dịch mới bùng phát và các biện pháp phong tỏa được tái áp dụng, các nền kinh tế sẽ nhanh chóng rơi vào suy thoái trầm trọng và khó có khả năng phục hồi trong tương lai gần.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề nghị châu Âu ưu tiên vaccine cho Việt Nam

    Đề nghị châu Âu ưu tiên vaccine cho Việt Nam

    00:00, 09/09/2021

  • Mở cửa kinh tế nhìn từ châu Âu

    Mở cửa kinh tế nhìn từ châu Âu

    05:00, 04/09/2021

  • Tiếp tục thử nghiệm thành công

    Tiếp tục thử nghiệm thành công "hộ chiếu vaccine" với chuyến bay từ Việt Nam đi châu Âu

    11:09, 03/09/2021

  • Chủ nghĩa thực chứng giúp châu Âu “đè” COVID-19?

    Chủ nghĩa thực chứng giúp châu Âu “đè” COVID-19?

    05:29, 30/08/2021

  • Tận dụng “lợi thế đi trước” tại thị trường châu Âu

    Tận dụng “lợi thế đi trước” tại thị trường châu Âu

    02:00, 29/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch mới từ châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO