Đang có công ăn việc làm ổn định ở Công ty nước ngoài, nhưng anh Nguyễn Tiến Định đã chọn về với Tây Nguyên để khởi nghiệp với hạt cà phê chất lượng cao.
>>"Mở lối" chính sách cho thị trường điện - Bài 1: Tồn tại nhiều hạn chế
Năm 6 tuổi, chàng trai Nguyễn Tiến Định (sinh năm 1989) sinh ra ở mảnh đất Hải Dương đã theo cha mẹ vào làm kinh tế tại thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Lớn lên trong nắng gió, đầy khó khăn của miền biên viễn đã giúp chàng trai trẻ có nhiều nghị lực với ước mơ vào đại học làm thay đổi cuộc sống.
Năm 2017, về quê thăm cha mẹ ở tổ dân phố 6 thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai, người thanh niên cảm nhận được nỗi khổ của người làm cà phê tại nơi đây. Lưng vai của cha, màu áo của mẹ đã ướt đẫm mồ hôi và bạc đi vì nắng nóng. Bất chợt Định nghĩ đến làm điều gì đó để tăng năng suất cà phê cho gia đình và giúp người nông dân ở thôn quê đỡ khổ. Từ những suy nghĩ đó, Nguyễn Tiến Định đã bỏ việc làm ổn định ở Công ty của Malaysia về khởi nghiệp với hạt cà phê.
Nghĩ là làm, những bước đi khởi nghiệp đầu tiên của Định có rất nhiều giúp đỡ của anh, chị em, bạn bè người quen. Từ suy nghĩ đến hình thành xưởng sản xuất, ra mắt sản phẩm mất 9 tháng. Trong thời gian đó, Định tập trung vào nghiên cứu sản phẩm, tạo ra loại sản phẩm cà phê chất lượng, ổn định.
Khi sản phẩm dần chinh phục thị trường và bước vào gian đoạn sản xuất ổn định thì dịch Covid-19 ập đến. Mọi khâu sản xuất, bán hàng đều phải tạm dừng.
Anh Nguyễn Tiến Định chia sẻ: “Đây là thời điểm khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp của tôi. Vốn sản xuất đã được một chị quen ở thành phố Đà Nẵng giúp, công nhân sản xuất cũng đang vào guồng quay ổn định. Mỗi tháng cũng cho thu nhập từ 300 triệu trở lên. Tuy nhiên từ cuối năm 2019, dịch ập đến mọi thứ trở nên rất khó khăn.”
Đại dịch COVID-19 có thể quật ngã mọi thứ nhưng không thể quật ngã ý chí của chàng trai sinh năm 1989. Tranh thủ những ngày giãn cách xã hội, Định tiếp tục nghiên cứu thị trường trên hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục thử nghiệm cho ra những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Từ đó, Tiến Định đã tạo ra những đơn hàng từ thương mại điện tử. Tuy đơn hàng nhỏ, nhưng đã mang đến cho chàng trai một tiềm tin của khách hàng về sản phẩm của mình. Cứ như thế, thông qua hệ thống thương mại điện tử, sản phẩm cà phê của Công ty Cổ phần VCU do CEO Nguyễn Tiến Định điều hành đã mang lại những thành công ban đầu.
Để đảm bảo vốn ổn định cho hoạt động sản xuất, hiện Nguyễn Tiến Định đã kêu gọi vốn cộng đồng vòng đầu tiên. Tại vòng này, ban lãnh đạo công ty giới hạn tối thiểu là 100 triệu đồng, ở lần này đang mang về cho VCU gần 2 tỷ vốn góp.
Lần gọi vốn cộng đồng vòng thứ hai, lãnh đạo Công ty Cổ phần VCU thống nhất không giới hạn vốn tối thiểu. Do đó đang kỳ vọng số vốn sẽ tăng lên đáng kể để do số lượng người quan tâm đến dự án.
Trước khi tham dự vòng gọi vốn chính quy, CEO của Công ty Cổ phần VCU đã vui mừng thông báo cho biết: “Vừa qua một đối tác ở Algeria đã ký hợp đồng và xuất khẩu 1 container 20 feet cà phê nhân đã gia công. Và đối tác cũng đang muốn ký tiếp 3 container từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên bên mình lại đang cần vốn nên chưa thể đồng ý ngay.”
Để đảm bảo cho hoạt động cho nhà máy sản xuất , CEO Công ty Cổ phần VCU sẽ tham gia các cuộc gọi vốn từ các quỹ tài trợ khởi nghiệp và thông qua chương trình truyền hình Shark Tank.
Quyết tâm làm để thay đổi số phận cho nguòi nông dân đang mang đến cho Nguyễn Tiến Định những thành công từ miền quê thứ hai. Với quy trình sản xuất là tiêu chuẩn ISO và FDA ngay từ ban đầu, sản phẩm cà phê của VCU đã chinh phục được khách hàng những trang thương mại lớn như Amazon, Lazada, Tiki, Sendo.
Hiện nay, VCU đang sở hữu nhiều loại sản phẩm như cà phê túi lọc, cà phê phin, nguyên liệu sơ chế theo yêu cầu. Từ đầu năm 2023 đến nay, Nguyễn Tiến Định cho hay mỗi tháng túi thu nhập gần 500 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm