Doanh nghiệp

“Hồi tố” giá bán điện: Thiếu quy định cụ thể khiến doanh nghiệp nguy cơ vỡ nợ

Thy Hằng 11/04/2025 15:03

Theo các doanh nghiệp, do trước đó không có yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về CCA nên doanh nghiệp chưa thực hiện, từ rủi ro chính sách khiến nguy cơ vỡ nợ hiện hữu khi hồi tố giá FIT.

Chiều ngày 10/4, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo Thái Lan tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương. Ông Trần Hoài Trang, Phó cục trưởng Cục Điện lực, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc gặp.

68280193abec18b241fd.jpg
Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo Thái Lan tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương.

Tại buổi làm việc, ông Supa Waisayarat, Đại diện nhóm điện và năng lượng Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), đồng thời là đại diện nhóm công tác năng lượng của Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) cho biết, hiện với các nhà đầu tư Thái Lan đang gặp phải vấn đề chính liên quan giảm giá điện FIT và các dự án tính giá chuyển tiếp hiện nay với tổng 3GW điện. Trong đó, hơn 2GW đang có rủi ro giảm giá FIT và khoảng 700MW bị tính giá chuyển tiếp.

“Chúng tôi mong muốn vấn đề này được giải quyết nhanh chóng. Năng lượng tái tạo vẫn luôn là chủ trương của Việt Nam. Chính quyền Trump đang đưa ra những chính sách khắc liệt và Việt Nam vẫn kiên định đi theo hướng năng lượng xanh và sạch. Do đó, chúng ta phải cùng đồng hành với nhau. Các nhà đầu tư Thái Lan chúng tôi mong muốn được gắn bó với Việt Nam”, ông Supa Waisayarat nhấn mạnh.

Chia sẻ tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc B.Grimm Power Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó liên quan vấn đề thanh toán tiền điện và áp dụng giá FIT mới dựa trên ngày ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu (CCA).

Liên quan giá FIT chưa được chứng nhận CCA, ông Anh Tuấn cho biết, xuyên suốt quá trình triển khai thi công dự án và đóng điện, các nhà đầu tư đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, điều kiện phải đáp ứng, do đó, các nhà đầu tư khẳng định “CCA không phải là điều kiện quá khó khăn cho chủ đầu tư thực hiện trước thời gian COD nếu được yêu cầu từ đầu”.

“Chỉ cho đến khi có Kết luận Thanh tra số 1027/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, doanh nghiệp mới thấy yêu cầu về CCA được bổ sung cho điều kiện COD trước đó. Chúng tôi khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu; tuy nhiên do quy định và hướng dẫn trước đó chưa cụ thể nên doanh nghiệp chưa thể thực hiện. Vì vậy các nhà đầu tư cũng đã đồng kiến nghị EVN và Bộ Công Thương có báo cáo khách quan về vấn đề này tại các buổi làm việc giữa EVN EPTC với hơn 170 nhà máy năng lượng tái tạo đầu tháng 3/2025 ”, Tổng Giám đốc B.Grimm Power Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho biết, nếu giá điện chuyển từ giá FIT1 xuống FIT2 hoặc giá chuyển tiếp là giảm 25%-50% doanh thu, thì chắc chắn các dự án sẽ đều “không sống được”. Điều này cũng được tập thể các nhà đầu tư năng lượng Thái Lan đồng quan điểm và kiến nghị tại buổi làm việc.

img_8379.jpg
Doanh nghiệp cho biết giá điện chuyển từ giá FIT1 xuống FIT2 hoặc giá chuyển tiếp là giảm 25%-50% doanh thu, các dự án sẽ đều “không sống được”.

“Vô vàn những khó khăn trong giai đoạn trước đây khi thực hiện triển khai đã được các cấp chính quyền từ Trung ương, Bộ ban ngành và các Chủ đầu tư nỗ lực vượt qua để cung cấp nguồn năng lượng tái tạo nói riêng và năng lượng mới toàn hệ thống Việt Nam nói chung, đáp ứng nhu cầu phụ tải với mục tiêu không để Việt Nam thiếu điện trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư không chỉ trong và ngoài nước luôn tin tưởng vào định hướng, tính nhất quán của chính sách mà hiện nay hàng trăm nhà máy đang phải đối mặt với nguy cơ hiện hữu việc chậm thanh toán, mất cân đối tài chính và cả niềm tin đầu tư vào Việt Nam của bạn bè Quốc tế thì thực sự rất đau xót.

Chúng tôi kính đề nghị Bộ Công thương có báo cáo sớm để các cấp chính phủ quan tâm, có phương án hài hòa lợi ích cũng như chia sẻ rủi ro để các nhà đầu tư yên tâm. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành và sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới để hướng đến Net Zero vào năm 2050 ”, ông Anh Tuấn chia sẻ.

Cũng tại cuộc gặp, đại diện các nhà đầu tư năng lượng tái tạo của Thái Lan như Tập đoàn Super energy, Tập đoàn Gunkul, Gulf, Eternity…đều cho biết việc EVN tạm dừng thanh toán hoặc chỉ thanh toán 1 phần các hợp đồng mua bán điện khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng vỡ kế hoạch tài chính. Các nhà đầu tư cũng mong muốn có thể duy trì giá điện theo ngày vận hành thương mại đầu tiên (COD) và giá bán điện theo hợp đồng đã ký PPA. Ko áp dụng hồi tố với các dự án COD trước thời điểm thông tư 10/2023/TT-BCT có hiệu lực.

“Dự án điện mặt trời ở Tây Ninh của chúng tôi có CCA sau ngày COD, EVN chưa thanh toán tiền điện từ tháng 1/2025 đến nay do đó doanh nghiêp gặp khó trong thu hồi đầu tư dự án. Hiện công ty vẫn đang có nhiều khoản lỗ lớn và thiếu hụt dòng tiền. Doanh nghiệp cũng đối mặt thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng do áp dụng giá tạm kéo dài 2 năm qua. Doanh nghiệp không thể huy động từ các tổ chức tài chính. Giá điện hiện không liên kết với USD nên khó thu hồi tỷ suất đầu tư. Chúng tôi cũng gặp khó trong quy định xác định trượt giá với dự án chuyển tiếp để tính toán giá điện”, ông Purin Veravattanadej, Tổng giám đốc Gulf chia sẻ.

Cho biết giữa Việt Nam và Thái Lan có Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Lẫn nhau ghi rõ quy định không hồi tố. Giờ yêu cầu hồi tố giá điện với các dự án là không đúng và doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn và phá sản, ông Tiến, đại diện Tập đoàn Eternity cho biết: “Dự án Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 của chúng tôi có vay vốn của Thái Lan nhưng BIDV bảo lãnh, dự án Ninh Thuận thì vay của Vietcombank. Nếu theo dự kiến của nhà nước dự án Xuân Thọ 1 và 2 sẽ sang giá FIT2, và dự án Ninh thuận sẽ sang giá điện chuyển tiếp, doanh nghiệp sẽ không có tiền trả ngân hàng này, do đó sẽ ảnh hưởng tới cả các đơn vị tài chính nói trên”.

Các doanh nghiệp nhấn mạnh, việc thiếu hướng dẫn cụ thể về Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) khiến doanh nghiệp chưa thực hiện giai đoạn trước đó, rủi ro chính sách xuất hiện khi yêu cầu mới được đưa ra và tạo ra hệ quả là EVN thanh toán một phần khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ hiện hữu.

Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương xúc tiến để các chủ đầu tư đàm phán sớm hơn về giá bán điện cho các dự án đang gặp vướng mắc nói trên. Đồng thời bày tỏ, các doanh nghiệp thấu hiểu những quy định về thanh kiểm tra phải đáp ứng, tuy nhiên khi đã đầu tư đầu tư vào Việt Nam là kỳ vọng sự gắn kết, song hành, rủi ro chính sách là việc các chủ đầu tư và các quốc gia rất quan ngại. Phải làm sao để các nhà đầu tư có niềm tin vào thị trường Việt Nam.

ff0b3b9c7ce3cfbd96f2.jpg
Các nhà đầu tư Thái Lan quan ngại rủi ro chính sách ảnh hưởng uy tín Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ với các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương khẳng định Tổ Công tác lắng nghe và tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời sẽ báo cáo cơ quan cấp trên.

“Theo quy định của Việt Nam, những dự án có vấn đề liên quan kết luận của Thanh tra Chính phủ đưa ra các cơ quan liên quan phải báo cáo, đề xuất phương án xử lý, giải quyết. Do đó, cũng cần có thời gian để giải quyết tổng thể và báo cáo Thanh tra Chính phủ mới rõ ràng phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp. Chúng tôi phải có báo cáo đầy đủ tổng thể báo cáo cấp cao hơn, sau đó sẽ có quyết định cuối cùng theo quan điểm Nghị quyết 233/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên cần có thời gian”, Cục trưởng Trần Hoài Trang đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Hồi tố” giá bán điện: Thiếu quy định cụ thể khiến doanh nghiệp nguy cơ vỡ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO