Sau 1 năm triển khai thực hiện, chương trình hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương…
Không chỉ vậy, với những nội dung mà chương trình hợp tác đặt ra, hiện 03 tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, từng bước tạo nên tầm cao mới, vị thế quan trọng trong bối cảnh chung hiện nay cũng như vạch ra chiến lược phát triển cho Thanh Hoá – Nghệ An – Hà Tĩnh vươn xa hơn.
Khơi dậy tiềm năng vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Một trong những nội dung được lãnh đạo 03 tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An – Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm tại hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, giai đoạn 2022-2025 được tổ chức tại Thị xã Cửa Lò, Nghệ An vào sáng 10/12/2023 là làm sao khơi dậy và phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng đất “địa linh nhân kiệt” trong thời gian tới.
>>Tạo đà phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ
Theo đó, sau 1 năm triển khai thực hiện, chương trình hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã có nhiều kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và tiếp tục thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác, lâu dài giữa các tỉnh, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển chung của đất nước. Sự phát triển và đóng góp về các chỉ số tăng trưởng mà cả 03 tỉnh đạt được trong thời gian qua cũng đã được các cấp, ngành Trung ương quan tâm, ghi nhận.
Qua đó, trên tất cả các lĩnh vực phát triển của cả 03 địa phương cũng đã được nhiều con số tăng trưởng vượt bậc, tạo ra chuỗi liên kết vùng một cách bài bản, có hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, lĩnh vực phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)...cũng có nhiều khởi sắc.
Đơn cử như lĩnh vực công thương 3 tỉnh đã từng bước đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp mà mỗi tỉnh có lợi thế; trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, định hướng phát triển xuất nhập khẩu; phối hợp kết nối, kêu gọi doanh nghiệp của 3 tỉnh tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử…
Riêng về lĩnh vực thu hút đầu tư, cả 03 tỉnh cũng đã tạo ra nhiều bước đột phá, thu hút nhiều dự án có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực tăng trưởng cho mỗi địa phương.
>>Bắc Trung Bộ với “cuộc đua” thu hút vốn FDI
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, nhiều năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, kiên trì, trong những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều bước tiến tích cực về thu hút dự án FDI trên địa bàn. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới cũng đã chọn Nghệ An là điểm đến để đầu tư, triển khai hàng loạt các dự án triệu USD, tỷ USD…
Để làm được điều đó, người đứng đầu UBDN tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ kinh nghiệm bằng cách chuẩn bị 5 điều kiện mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng” để thu hút dự án FDI. Cụ thể, sẵn sàng về quy hoạch; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, cùng với lợi thế tự nhiên, 3 tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để các địa phương phát huy, liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch.
Nâng tầm liên kết vùng
Còn nhớ cách đây hơn 01 năm, vào ngày 08/08/2022, tại Tỉnh Thanh Hoá, Ban Thường vụ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh cũng nhấn mạnh sự liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương, vừa có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của mỗi tỉnh, đồng thời vừa góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mỗi địa phương đối với sự phát triển của khu vực Bắc Trung bộ, vùng duyên hải miền Trung và của cả nước. Tinh thần “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” cũng được lãnh đạo 3 tỉnh quan tâm, trao đổi, hợp tác trong thời gian tới.
>>Bắc Trung Bộ nhiều dư địa phát triển kinh tế biển
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã đề xuất một số nội dung liên kết, hợp tác thời gian tới. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham gia xây dựng quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đề xuất vấn đề tăng cường hợp tác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An trong việc trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các bất cập, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, triển khai các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ, du lịch, khu đô thị. Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư, trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần được tăng cường hơn nữa.
Sau 01 năm triển khai đồng bộ các giải pháp chương trình hợp tác, nhìn lại bức tranh phát triển chung, cả 03 địa phương cũng đã có nhiều bước tiến về hạ tầng kỹ thuật, môi trường đầu tư, cải cách thể chế một cách rõ nét.
Ngoài những thành tựu nói trên, cả 03 địa phương đã cùng tham gia nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày các ấn phẩm du lịch, giới thiệu các danh lam thắng cảnh và các sản phẩm OCOP tiêu biểu, các đặc sản của địa phương, như: Hội nghị xúc tiến du lịch: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023 tại tỉnh Thanh Hoá với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”; Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch: Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh tại Hà Nội (tháng 4/2023) với chủ đề “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm” nhằm kết nối thế mạnh từng địa phương, xây dựng chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh, cùng nhau phát triển lên tầm cao mới.
“Thời gian tới, cần tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghiệp lớn, có công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất, các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Châu Âu...
Mặt khác, vấn đề tăng cường phối hợp thu hút đầu tư, từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa.
Đặc biệt, cụm liên kết ngành kinh tế biển với 02 đầu cầu là Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng gắn với cảng nước sâu của Thanh Hóa và Hà Tĩnh; phát triển năng lượng tái tạo nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ;...cũng cần được tập trung quan tâm hơn nữa”- ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ tại Nghệ An
18:00, 09/12/2023
Nghệ An: Tìm giải pháp để du lịch “bắt nhịp” tăng trưởng
10:38, 09/12/2023
Thanh Hóa: Kết nối đầu tư, thương mại Italia
18:19, 08/12/2023
Thanh Hóa: Thần tốc, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công
11:17, 07/12/2023
Hà Tĩnh: Hàng nghìn doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan hành chính
10:21, 23/11/2023