Hồng Kông thí điểm CBDC bán buôn đầu tiên trên thế giới

DIỄM NGỌC 09/03/2024 05:10

Hồng Kông khẳng định vị thế tiên phong của mình trong quá trình phát triển Blockchain, khi ra mắt một trong những thí điểm CBDC bán buôn đầu tiên trên thế giới.

>>Các ngân hàng nước ngoài tham gia thí điểm CBDC của Trung Quốc

Hồng Kông dẫn dắt xu hướng

Theo SCMP đưa tin, mới đây, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương bán buôn (wCBDC), một trong những nền tảng đầu tiên trên thế giới dành cho tiền gửi, tài sản và tiền ngân hàng trung ương được mã hóa.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương bán buôn (wCBDC)

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương bán buôn (wCBDC)

CBDC “bán buôn” được sử dụng chủ yếu trong thị trường liên ngân hàng. Được thiết kế để sử dụng giữa ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, nhằm thanh toán bù trừ những khoản tiền lớn. Dạng CBDC này giống với tiền dự trữ và tài khoản thanh toán tại các ngân hàng trung ương hiện nay.

Howard Lee, Phó Giám đốc điều hành của HKMA cho biết, cơ quan này đang thử nghiệm một hệ sinh thái bao gồm các hình thức gửi tiền kỹ thuật số của các ngân hàng thương mại, các sản phẩm tài chính sử dụng công nghệ sổ cái phân tán và tiền ngân hàng trung ương cho mục đích thanh toán.

Mục đích cuối cùng của dự án là tạo ra một nền tảng có khả năng tương tác với các hệ thống do các ngân hàng trung ương khác tạo ra để tăng hiệu quả, tính minh bạch trong hệ thống tài chính và tiền tệ.

Có thể thấy, Hồng Kông đã đi đầu trong việc thử nghiệm các hình thức tiền kỹ thuật số khác nhau. Từ tháng 5, cơ quan này tiến hành thử nghiệm phiên bản bán lẻ của CBDC (e-HKD), đồng thời đề xuất lập pháp về việc bán stablecoin cho các nhà đầu tư bán lẻ và đang chờ phản hồi của công chúng. HKMA sẽ thiết lập cơ chế sandbox để cung cấp một vòng khép kín cho nhóm người tham gia thử nghiệm đối với những đổi mới của họ, từ các khái niệm đến giao dịch và thanh toán. Được biết sandbox dự kiến sẽ chính thức khởi động vào tháng 6 tới.

Hashkey Group, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử được cấp phép đầu tiên ở Hồng Kông sẽ là đơn vị đầu tiên tham gia vào dự án wCBDC. Ngoài ra, HSBC, công ty con Ngân hàng Hang Seng, Standard Chartered và Bank of China cũng tham gia vào dự án.

Giám đốc điều hành của HSBC Hồng Kông - Luanne Lim cho biết: “Thông qua dự án này, chúng tôi sẽ hợp tác với HKMA, các đồng nghiệp, các bên liên quan khác trong ngành để xây dựng và đưa Hồng Kông trở thành trung tâm quốc tế về tiền gửi và tài sản mã hóa”.

Đáng chú ý, có một số trường hợp sử dụng wCBDC để giải quyết các điểm yếu trong hệ thống thanh toán hiện tại. Điển hình như việc tạo ra vận đơn điện tử được mã hóa, sử dụng chuỗi khối để cung cấp dữ liệu hàng hóa đáng tin cậy theo thời gian thực, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro gian lận. Hay một trường hợp sử dụng khác có thể là đầu tư vào các trạm sạc xe điện được mã hóa.

Theo báo cáo năm 2022 của công ty tư vấn BCG và sàn giao dịch chứng khoán kỹ thuật số ADDX có trụ sở tại Singapore, tài sản mã hóa ước tính đạt 16.000 tỷ USD vào năm 2030, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Ông Eddie Yue Wai-man, Giám đốc điều hành của HKMA khẳng định, Hồng Kông luôn ủng hộ sự đổi mới và hợp tác quốc tế. Dự án này sẽ mang lại động lực mới cho ngành tài chính đầy sôi động và củng cố vị trí hàng đầu của thành phố về tiền và tài sản token hóa.

“Chúng tôi luôn đi đầu trong toàn bộ quá trình phát triển blockchain, bao gồm cả CBDC. Tôi tin rằng chúng tôi là một trong những người đầu tiên thúc đẩy việc triển khai thực tế CBDC bán buôn, cùng với tài sản được mã hóa và môi trường tiền gửi được mã hóa”, ông nhấn mạnh.

>>Mỹ có thể tụt lại trên đường đua phát triển CBDC

Làn sóng toàn cầu

Trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đều đang hướng tới việc đổi mới các loại tiền trong tương lai trên mạng kỹ thuật số, phù hợp với tầm nhìn “sổ cái thống nhất” mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã vạch ra vào tháng 6/2023.

Ông Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế bày tỏ vui mừng khi thấy dự án wCBDC mới của HKMA sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường token hóa sắp tới

Ông Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế bày tỏ vui mừng khi thấy dự án wCBDC mới của HKMA sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường token hóa sắp tới

Theo đó, một sổ cái hợp nhất, kết hợp tiền của ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại với các tài sản khác trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chung, sẽ giúp thanh toán, xóa và giải quyết ngay lập tức mọi giao dịch thông qua mã thông báo, hợp đồng thông minh và khả năng lập trình. Do đó, wCBDC sẽ là cốt lõi của một hệ thống như vậy, vì tiền ngân hàng trung ương được sử dụng để thanh toán liên ngân hàng sẽ mang lại sự tin cậy và các chức năng bổ sung được kích hoạt bằng mã thông báo.

Ông Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế bày tỏ vui mừng khi thấy dự án wCBDC mới của HKMA sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường token hóa sắp tới. Ông cho rằng, sáng kiến đang được tiến hành rất phù hợp với tầm nhìn về một sổ cái thống nhất, trong đó CBDC bán buôn nằm ở trung tâm của hệ thống, có thể bổ sung bởi các khoản tiền gửi được token hóa từ hệ thống ngân hàng.

Còn theo vị lãnh đạo của HKMA, BIS và hầu hết các ngân hàng trung ương đều coi token hóa là một phần quan trọng của thị trường tài chính tương lai. Chúng ta tiếp cận càng sớm tới nó, cung cấp cơ sở hạ tầng và môi trường cho các tổ chức phát hành trái phiếu, quỹ hoặc tài sản trong thế giới thực được mã hóa, thì họ sẽ đến với chúng ta càng nhanh.

Trên thị trường, vào tháng 11/2023, Ngân hàng Hàn Quốc cũng đã triển khai chương trình thí điểm cho CBDC bán lẻ của mình, cho phép 100.000 công dân Hàn Quốc được chọn sử dụng mã thông báo ký gửi để mua hàng hóa. Hay Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã đưa ra khái niệm về đồng rupee điện tử...

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những định hướng ban đầu khi giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu và cơ quan này cũng đang có những bước đi thận trọng trong nghiên cứu và phát triển CBDC. Giới chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên chúng ta cần làm là cải cách quy định quan trọng cho phép Chính phủ phát hành tiền số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xác minh xem mình có đang thực hiện đúng không, trước khi nộp đơn yêu cầu phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền cấp quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, Nhà nước cũng cần tạo dựng được mối liên hệ nhất định giữa tiền kỹ thuật số do Nhà nước phát hành và đồng tiền hiện hành để bảo đảm ổn định cho nền kinh tế khi triển khai hai loại hình tiền tệ khác nhau.

Trước làn sóng CBDC đang lan rộng toàn cầu, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đánh giá: “Châu Á đang đi đầu trong việc phát triển CBDC nhờ mức độ số hóa cao và hệ sinh thái Fintech sôi động, bao gồm cả lĩnh vực thanh toán. Tiến trình này được xây dựng dựa trên sự hiểu biết tốt hơn về cách khai thác những tiến bộ công nghệ để xây dựng một hệ thống tài chính hiệu quả, minh bạch và toàn diện, mang lại lợi ích cho xã hội và người dân”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hồng Kông ra mắt thí điểm CBDC bán buôn đầu tiên trên thế giới

    17:28, 08/03/2024

  • Các ngân hàng nước ngoài tham gia thí điểm CBDC của Trung Quốc

    04:43, 03/12/2023

  • Mỹ có thể tụt lại trên đường đua phát triển CBDC

    05:05, 27/11/2023

  • IMF: CBDC có thể cải thiện khả năng tiếp cận tài chính toàn cầu

    05:01, 19/11/2023

  • CBDC và stablecoin có thể cùng tồn tại?

    05:10, 15/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hồng Kông thí điểm CBDC bán buôn đầu tiên trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO