Để đẩy mạnh tour du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp du lịch và bệnh viện 2 bên cần phải kết hợp, đưa ra những chính sách giá và các sản phẩm phù hợp để thu hút khách du lịch.
>>Du lịch văn hóa là sản phẩm du lịch cốt lõi
Du lịch chăm sóc sức khoẻ đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo là một trong 6 xu hướng du lịch sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
Ở Việt Nam, khá nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Được nhiều người biết đến trong mảng dịch vụ này là những cái tên như Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Khu nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) hay hệ thống nghỉ dưỡng của Tập đoàn Flamingo tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Tân Trào (Tuyên Quang)... Những khu nghỉ dưỡng này đều tận dụng lợi thế về cảnh quan nhằm kết nối con người với thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng về thể chất và tinh thần.
Tại Tọa đàm “Phát triển du lịch y tế - thẩm mỹ công nghệ cao Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản”, ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản, người được coi là một trong những cầu nối ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ: “Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đây là dấu mốc quan trọng của 2 nước. Mặc dù cũng có lúc thăng trầm nhưng đến nay quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước đã đơm hoa kết trái, mang lại lợi ích lớn cho 2 bên. Đây là mối quan hệ toàn diện nhất, thực chất nhất và hiệu quả nhất”.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Bình hợp tác toàn diện giữa 2 nước đã mang lại những giá trị thiết thực về cả mặt chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, du lịch… Trong đó, du lịch là một lĩnh vực hợp tác quan trọng của 2 nước.
Trước dịch Covid-19, có gần 1 triệu lượt khách du lịch Nhật Bản tới Việt Nam năm 2019. Ở chiều ngược lại, có 500.000 khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản năm đó. Nhật Bản là điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch trên thế giới, trong đó có khách du lịch Việt Nam.
Ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng, để đẩy mạnh tour du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp du lịch và bệnh viện 2 bên cần phải kết hợp, đưa ra những chính sách giá và các sản phẩm phù hợp để thu hút khách du lịch.
10 tháng đầu năm 2023, trong 10 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam thì có 500.000 lượt khách du lịch Nhật Bản. Trong khi đó, có 450.000 lượt khách Việt Nam tới Nhật Bản cùng thời gian qua. Đây là con số trao đổi khách lớn và đồng đều giữa 2 nước, khẳng định 2 bên là thị trường quan trọng của nhau.
Để khai thác tối đa tiềm năng của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng Chính phủ cần xác định và hoạch định các chính sách, kế hoạch, chiến lược, đề án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe trên phạm vi quốc gia, theo từng giai đoạn, khu vực, từng vùng dựa trên các giá trị của tài nguyên du lịch.
“Tạo cơ chế trong thu hút đầu tư, khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, người trong việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, phát triển hài hoà, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các điểm đến trong nước và quốc tế”, ông Phạm Hồng Long nói.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 25/11/2023
02:00, 25/11/2023
00:30, 23/11/2023
03:00, 22/11/2023