Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thành phố Hà Nội đã triển khai thành công nhiều nội dung để tăng cường sự hợp tác và liên kết Vùng.
Ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cho biết như vậy tại Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 20/12/2019 tại TP Hải Phòng.
Nhiều kết quả ấn tượng
Ông Toản cho biết, trong những năm qua, cùng với thực hiện Luật Thủ đô, cùng với các tỉnh, thành phố, thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bao gồm 07 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
Đồng thời triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013 Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Có thể bạn quan tâm
16:01, 20/12/2019
15:59, 20/12/2019
14:01, 20/12/2019
“Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2015-2016, thành phố Hà Nội đã chủ trì tổ chức thành công nhiều nội dung để tăng cường sự hợp tác và liên kết Vùng như: Hội nghị hợp tác phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ năm 2016.
Thành phố Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch điều phối phát triển Vùng giai đoạn 2017-2020; 15 tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô đã ký biên bản hợp tác giai đoạn 2017-2020.
Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tháng 6 năm 2018 với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển Vùng” và là Chủ tịch không luân phiên Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”. – ông Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Theo đó, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan Trung ương, được sự quan tâm hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong Vùng, công tác liên kết, hợp tác bước đầu đạt một số kết quả khả quan.
Cụ thể, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được triển khai thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ, triển lãm... có sự tham gia của các tỉnh, thành trong Vùng như: Hội chợ triển lãm Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng năm 2017, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam được tổ chức thường niên tại Hà Nội từ năm 2016; chương trình hội chợ du lịch quốc tế, ban hành Kế hoạch chung triển khai chương trình hợp tác giữa ngành du lịch các tỉnh, thành phố...
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong Vùng và thành phố Hà Nội đã triển khai một số hoạt động liên kết trên các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp như tổ chức Hội nghị về “Cơ hội cho cơ sở, doanh nghiệp sử dụng năng lượng Xanh trong cách mạng công nghiệp 4.0”, trong đó có sự tham dự của tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Đồng thời, triển khai liên kết trên các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; trao đổi, học hỏi, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật; an toàn thực phẩm; tiêu thụ nông sản, hàng hóa; thủy lợi-phòng chống thiên tai, tổ chức Hội thảo chuyên đề về xây dựng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện các hoạt động trao đổi, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trên các lĩnh vực như: giống lúa, giống cây trồng; con và giống gia súc, gia cầm, thủy sản... ký kết hợp tác về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...
Đối với các nội dung trong lĩnh vực Tài nguyên Môi trường, Quy hoạch đã được triển khai đồng bộ như: dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Hồng với việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư 11 dự án xử lý chất thải rắn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quyết định điều chỉnh, bổ sung nhân sự Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội...
Đối với lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Y tế được duy trì tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn với sự tham dự của các địa phương trong Vùng; Tổ chức những ngày văn hóa các địa phương tại khu vục phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội; Tích cực hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý khai thác các công trình thủy lợi....
Với sự cố gắng, nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong Vùng, hoạt động phối hợp, hợp tác, liên kết phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên “kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cơ chế liên kết và điều phối Vùng cần rõ nét hơn, hiệu quả về hợp tác kinh tế tại một số lĩnh vực còn chưa thực sự rõ nét; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn có nơi, có lúc còn bất cập, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo Vùng chưa rõ nét, môi trường kinh doanh có nơi, có lúc chưa thực sự thông thoáng...”. - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thông báo một số kết quả đạt được của Thủ đô với thực hiện hợp tác, liên kết phát triển Vùng.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, có đóng góp tích cực trong tăng trưởng của Vùng và cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, cách tính mới) bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 7,19%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,74%) và cả nước (6,7%).
Năm 2019, GRDP của Hà Nội tăng 7,62%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 264.710 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán (tăng 7,4% so với cùng kỳ); chi ngân sách địa phương 83.729 tỷ đồng.
Vốn đầu tư phát triển ước tăng 12,9% (KH 10,5-11%), thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD - cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; Khách du lịch đạt 28,945 triệu lượt, tăng 10,1%, trong đó khách quốc tế tăng 17%.
Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Mức độ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) được cải thiện so với giai đoạn trước. Tính chung giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP đạt 51,9% (cao hơn so với giai đoạn trước là 31,2%), đóng góp của vốn là 44,6% và của lao động là 3,6%.
Năng suất lao động tăng dần theo các năm, năm 2018 đạt khoảng 198,6 triệu đồng/lao động. Năng suất lao động bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 6,4% (cùng kỳ cả nước 5,7%) và cao hơn so với trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,2%).
Ngoài ra, việc quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Tập trung chuẩn bị tổ chức Giải đua xe Công thức 1. Giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao tiếp tục được quan tâm; Đẩy mạnh ứng dụng hướng tới mục tiêu thành phố thông minh; An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đáng chú ý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có chuyển biến rõ nét. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được tăng cường. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI xếp thứ 09/63. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc. Thành phố đã trình và được Bộ Chính trị thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị;
Với những kết quả đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển trong Vùng và ngày càng đóng góp quan trọng đối với kinh tế của cả nước”.
Đề xuất 6 nhiệm vụ trọng tâm
Nhằm thúc đẩy liên kết phát triển Vùng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, thay mặt UBND TP Hà Nôị, ông Nguyễn Doãn Toản đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm nghiên cứu một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, sớm rà soát, sắp xếp lại các Vùng (Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng) để thống nhất Hà Nội chỉ thuộc 01 Vùng.
"Sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch Vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của Vùng, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh, thành phố, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh theo quy định để thu hút đầu tư". - ông Toản nói.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng KTTĐ Bắc Bộ, chú ý đến phát huy và khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương.
"Trước mắt, tập trung thực hiện liên kết giữa các địa phương trên hai lĩnh vực chủ yếu: liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, liên kết xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... (chú trọng thu hút các dự án đầu tư theo chuỗi, đầu tư dự án mang tính logictics, liên kết đầu tư)". - ông Toản gợi ý.
Thứ ba, quan tâm chỉ đạo triển khai Kế hoạch điều phối Vùng, trong đó ưu tiên hệ thống hạ tầng khung; phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; y tế chuyên sâu, phòng chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa gắn với văn minh sông Hồng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng;…
Thứ tư, tiến hành đánh giá kết quả về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị của Vùng, đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng liên tỉnh quan trọng.
Đồng thời, ưu tiên phát triển hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở cho từng địa phương.
Thứ năm, sớm hoàn thiện cơ chế liên kết và điều phối Vùng (dự kiến Chính phủ chủ trì chỉ đạo, khác với cơ chế hiện tại là các địa phương luân phiên là Chủ tịch Hội đồng Vùng).
Các địa phương trong Vùng tiếp tục đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong liên kết phát triển vùng để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và toàn Vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung của Vùng.
Cuối cùng, năm 2020, Thành phố Hà Nội chủ trì đăng cai Seagames 31, với nhiều nội dung các môn thể thao thi đấu tại một số tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội.
"Trân trọng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ đặc biệt nội dung đào tư một số cơ sở vật chất để tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á". - ông Toản đề nghị.