Tối 11/04, HPA phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương cùng với sự kiện Lễ khai hội truyền thống chùa Tây Phương...
Tiếp nối thành công của các chương trình xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hoá địa phương trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố HàNội (HPA) đã phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương cùng với sự kiện Lễ khai hội truyền thống chùa Tây Phương và kỷ niệm 10 năm đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (2014-2024); Kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô - Kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện (1954-2024).
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Hội chợ được diễn ra từ ngày 11/04 đến hết ngày 15/04/2024 tại khu vực chùa Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Hôi chợ có quy mô hơn 100 gian hàng của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như huyện Thạch Thất tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, nông sản thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng… cũng như quảng bá hình ảnh về văn hóa, lịch sử của địa phương.
“Đặc biệt, bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Hội chợ còn tổ chức những không gian trình diễn sản phẩm, các hoạt động văn hóa truyền thống như múa rối nước, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, cùng các hoạt động quảng bá du lịch kết hợp cùng những sắc hoa rực rỡ mang đến những trải nghiệm, dấu ấn khó quên” ông Dương nhấn mạnh.
Là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 25 km, diện tích đất tự nhiên trên 18.000 ha. Với địa thế thuận lợi về giao thông, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế làng nghề và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho hay: Trên địa bàn huyện hiện có trên 2000 doanh nghiệp với gần 17 nghìn hộ sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn huyện đến nay đã có 162 sản phẩm OCOP. Nhiều năm gần đây, các sản phẩm làng nghề của huyện Thạch Thất đã được giới thiệu rộng rãi tại các lễ hội du lịch, hội chợ, làng nghề của Hà Nội và được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Với những lợi thế trên, Thạch Thất đã phát triển du lịch địa phương một cách hiệu quả và được rất nhiều du khách biết đến, đánh giá cao. Hàng năm, những khu du lịch, khu sinh thái này đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng.
Tại Hội chợ, HPA và huyện Thạch Thất tổ chức Hội chợ giới thiệu các sản phẩm OCOP với gần 200 gian hàng sản phẩm làng nghề của các xã trong huyện và các vùng miền trong nước...
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh gặp gỡ giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống trong nước, thành phố và huyện đến người tiêu dùng, cũng như xúc tiến các hoạt động thương mại, du lịch, phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, trẩy hội của nhân dân và khách thập phương đến với huyện Thạch Thất” ông Hồng khẳng định.
Cùng nhận định trên, bà Kiều Thị Kim Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Webest tại Thôn 4, Xã Hương Ngải, Huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội chia sẻ: Thông qua Hội chợ doanh nghiệp có thể quảng bá những sản phẩm chè kho, kẹo lam, kẹo lạc truyền thống của Thạch Thất đến du khách và người tiêu dùng.
“Qua Hội chợ Công ty có cơ hội kết nối phân phối sản phẩm đa dạng hơn. Bởi hiện nay công ty chủ yếu bán hàng qua online” bà Khánh nói.
Ở lĩnh vực khác, ông Nguyễn Huy Thưởng, Chủ cơ sở đồ gỗ truyền thống Hà nội xưa và nay, chuyên sản xuất sập gụ, tủ chè, bàn ghế, giường tủ cổ và đồ thờ các loại tại khu làng nghề Chàng Sơn, Thạch Thất Hà Nội cho rằng: Việc HPA phối hợp với huyện tổ chức Hội chợ sẽ tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm góp phần phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quảng bá sản phẩm làng nghề cũng như các giá trị văn hoá truyền thống của huyện Thạch Thất đến người tiêu dùng thủ đô nói riêng cả nước nói chung.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 11/04/2024
11:02, 01/03/2024
22:41, 27/01/2024
22:42, 20/01/2024
23:44, 19/01/2024