Việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 1665. Do đó tinh thần cần được hun đúc ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (Novaedu) – khi tham gia vào hành trình Khởi nghiệp, học sinh THPT sẽ có được Kỹ năng Toàn diện, để ngày càng hoàn thiện bản thân.
Có nhận thức về tương lai của bản thân, có “tinh thần của người khởi nghiệp”. Từ đó bắt tay vào việc xây dựng ý tưởng và hình thành các dự án khởi nghiệp.
Trên tinh thần ấy, việc xây dựng các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh THPT là điều cần thiết. Các hoạt động sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho học sinh.
Đào tạo nâng cao tư duy và tinh thần của người khởi nghiệp. Xây dựng môi trường là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có thể nghiên cứu và sáng tạo khởi nghiệp.
Ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh THPT cần tập trung vào các nội dung như: Cung cấp kiến thức, kỹ năng về chủ đề khởi nghiệp; Đào tạo nâng cao tư duy và tinh thần khởi nghiệp; xây dựng môi trường là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp.
Khuyến khích học sinh tham gia hoạt động của Đề án 1665, chuyên gia Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: Cần xây dựng, cung cấp công cụ triển khai như bộ tài liệu chính thức về khởi nghiệp trong phạm vi do Bộ GD&ĐT phê duyệt...
Đồng thời phổ biến tuyên truyền trực tiếp cho học sinh THPT trong phạm vi toàn trường về Đề án 1665 và các câu chuyện thực tế xoay quanh chủ đề này. Chẳng hạn, có thể là các câu chuyện về tấm gương thành đạt trong nước, quốc tế, các bài học kinh tế cuộc sống….
Mặt khác, tổ chức các cuộc thi và thể hiện ý tưởng. Mỗi trường có thể phát động cuộc thi và khuyến khích mỗi tháng có 1 ý tưởng về giải pháp cho các vấn đề kinh tế – xã hội. Cố định phần thưởng từ phía nhà trường hàng tháng, tuyên dương khen thưởng cho các cá nhân, tập thể trong giờ chào cờ trước toàn trường.
Ngoài ra, xây dựng môi trường và đầu mối triển khai thông qua việc hình thành mỗi trường có 1 Câu lạc bộ khởi nghiệp, giao cho Đoàn trường phụ trách. Tổ chức hoạt động định kỳ hàng tuần trong câu lạc bộ để học sinh tự nguyện tham gia. Kết hợp tích hợp các hoạt động tự đào tạo kỹ năng, văn nghệ,…. tùy vào tình hình thực tế của từng trường.
Đặc biệt, hàng tháng cần tổ chức trải nghiệm thực tiễn, đưa học sinh đi tham quan trải nghiệm các trường Đại học, Cao đẳng, các Doanh nghiệp khác nhau.
Nhấn mạnh vai trò của Nhà trường đối với việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của học sinh THPT, ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các nhà trường cần tăng cường truyền thông về khởi nghiệp. Hình thành lý tưởng sống cho học sinh.
Đồng thời, thúc đẩy hoạt động câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM; hỗ trợ học sinh các khóa đào tạo về khởi nghiệp; Tạo điều kiện cho học sinh tham quan tại các doanh nghiệp; Hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp.
Mục tiêu Đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025:
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp;
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.