Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực với 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX xác định ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là một trong những quan điểm, định hướng phát triển với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP và tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2037 và thành phố thông minh vào năm 2045.
Chuyển đổi số thời đại 4.0
Theo đánh giá của Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên việc nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thực hiện CĐS để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế tỉnh nhanh, bền vững, ngày 15/6/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (NQ số 06). Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 571/QĐ – UBND ngày 25/2/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch CĐS của tỉnh đã đạt được những thành công đáng ghi nhận thể hiện sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân. Nhiều chỉ tiêu CĐS thực hiện đến năm 2025 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra như: Các chỉ tiêu về DVC trực tuyến; thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; tỉ lệ cơ quan hành chính sử dụng hệ thống thông tin báo cáo; tỉ lệ họp trực tuyến của các cuộc họp có 2 cấp tham gia trở lên; tỉ lệ CBCC được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số; độ bao phủ của hạ tầng mạng viễn thông, internet…
CĐS đã và đang là xu hướng tất yếu, vấn đề cấp thiết, tại Hội nghị phát động ngày chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên, hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai đẩy mạnh thông tin, truyền thông về Ngày CĐS tỉnh, Ngày CĐS quốc gia và lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS; đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký, sử dụng chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa; tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh gắn mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến; phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, thanh toán số; hướng dẫn kỹ năng an toàn trên môi trường số. Sở TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông, CNTT tăng cường quản lý thuê bao, xử lý sim có thông tin không đầy đủ, không đúng theo quy định; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các giải pháp số như: Văn phòng điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử…
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn 2021- 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 40 quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về CĐS hằng năm và Sở trực tiếp ban hành 41 văn bản triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn các sở, ngành, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ về CĐS. Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia, Ngày CĐS của tỉnh hằng năm; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng các chuyên mục CĐS trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị; tổ chức 4 khóa đào tạo, 13 hội nghị tập huấn cho trên 10 nghìn lượt CBCCVC, tổ công nghệ số cộng đồng…
Đến hết năm 2024, việc thực hiện CĐS của tỉnh đạt một số kết quả tích cực như: 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 88,2% DVC có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 100% DVC có phí đã được triển khai thanh toán số; tỉ lệ chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 60%; 40% số CBCC được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số; 40% số CBCC được tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; tỉ lệ bao phủ hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt 100%; 90% số hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định… Đối với hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối.
Về cơ bản, hạ tầng mạng viễn thông, CNTT của tỉnh phát triển khá đồng bộ, hiện đại bảo đảm nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện CĐS đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi rất lớn từ khai thác các dịch vụ số như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ khác trên môi trường số. Qua đó thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi sang môi trường số, đóng góp cho sự phát triển KT-XH bền vững.
Phát triển đô thị thông minh hay Trung tâm điều hành thông minh là xu thế tất yếu, cũng là nhiệm vụ cần phải triển khai để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Xác định được vai trò và tầm quan trọng của việc phát phát triển đô thị thông minh. Tỉnh Hưng Yên đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh làm nền tảng cho việc triển khai các dịch vụ, thành phần của đô thị thông minh. Bước đầu với một số dịch vụ cơ bản đã mạng lại một số hiệu quả nhất định phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành.
Giám sát việc thực hiện cung cấp DVC trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể dễ dàng truy cập các dịch vụ hành chính qua ứng dụng hoặc cổng thông tin điện tử, giảm thời gian và chi phí đi lại; Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cung cấp các báo cáo phân tích dựa trên dữ liệu lớn (Big Data), giúp chính quyền đưa ra các quyết định chiến lược kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Song song, UBND huyện Văn Lâm ra mắt Trung tâm điều hành thông minh tháng 10/2024; TP. Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đang tập trung đầu tư, hoàn thiện các hạng mục xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh.
Nâng cao chỉ số PCI “Tính minh bạch”
Theo Sở TT&TT tỉnh Hưng Yên, với mục tiêu nâng cao Chỉ số “Tính minh bạch” trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 26/11/2021 về cải thiện, nâng cao Chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên tỉnh đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thứ nhất, thực hiện công khai 100% thông tin, tài liệu (theo quy định) kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh sau khi đã được phê duyệt như: Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch ngành; Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, danh mục các dự án đầu tư công trung hạn và hàng năm; Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các ngành, lĩnh vực; Tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch của tỉnh.
Thứ hai, Cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp đầy đủ các tài liệu pháp lý cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu. Công khai 100% các tài liệu về ngân sách sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tổ chức hướng, dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về ngân sách.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng CNTT truyền tải thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khai thác sử dụng thuận lợi, dễ dàng; thực hiện tốt việc trả lời khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt việc số hóa, cập nhật, giải quyết hồ sơ, TTHC qua Cổng DVC trực tuyến của tỉnh.
Thứ tư, thực hiện rà soát, chấn chỉnh lê lối làm việc của CBCC, đảm bảo 100% CBCC thực hiện nghiêm quy chế hoạt động công vụ. Kịp thời cung cấp các tài liệu liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật CBCC trong thực hiện công vụ có liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Thứ năm, nâng cao vài trò góp ý xây dựng, phản biện cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, tham gia xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn, cung cấp dịch vụ công… Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hội viên. Tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu tiếp cận thông tin, giao dịch trực tuyến của doanh nghiệp và đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đối với mức độ cải thiện Chỉ số tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin của tỉnh.
Tỉnh Hưng Yên với quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của CĐS - người dân và DN cũng phải tham gia quá trình CĐS. Tỉnh Hưng Yên xác định CĐS, tạo cơ hội bứt phá để “đi tắt, đón đầu” trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về CĐS.