Xác định khoa học công nghệ là nhân tố góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hưng Yên đã tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, phát triển đúng định hướng đề ra.
>>>Doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư KCN thông minh tại Hưng Yên
>>>Hưng Yên: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh
Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được UBND tỉnh Hưng Yên xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn, trong sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, chất lượng đạt chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp gia công, sản xuất dầu thô đang giảm dần. Thay vào đó là phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động sản xuất này đã góp phần mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng luôn nỗ lực, tập trung khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ để phục vụ trực tiếp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện trên địa bàn đã có 9 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp Khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp KHCN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dược, vật tư y tế, hóa mỹ phẩm.
Tiêu biểu là Công ty CP Trapaco Hưng yên, Công ty CP Hoa Lan. Đây là những doanh nghiệp đã tích cực đổi mới và ứng dụng KHCN, tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương.Được biết, theo quy định 1 đơn vị được công nhận doanh nghiệp KHCN phải có sản phẩm nghiên cứu hoặc chuyển giao KHCN. Doanh thu từ sản phẩm KHCN tối thiểu phải đạt 30% doanh thu. Khi đã trở thành doanh nghiệp KHCN, Công ty sẽ được miễn thuế trong 4-5 năm đầu, và 50% thuế trong 9 năm sau. Cùng với đó, doanh nghiệp được hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh
Mới đây, từ ý tưởng nghiên cứu thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp chăn gia súc dễ dàng kiểm soát được điều kiện chuồng nuôi, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, an toàn, ông Phạm Hồng Sơn - Công ty kỹ thuật Hưng Yên đã cùng đội nhóm nghiên cứu, thiết kế thiết bị để kiểm soát vi khí hậu trong trang trại chăn nuôi. Hiện, nhóm nghiên cứu này đã thành công đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu. Sau khi hoàn thiện và đăng ký bảo hộ, thành quả nghiên cứu KCN này đã được chuyển giao tới các doanh nghiệp có trang trại trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ: Thiết bị kiểm soát vi khí hậu gồm 3 bộ phận: Máy cảm biến, bộ điều khiển và bộ phát trung tâm. Khi máy được gắn vào trang trại khép kín, mọi dữ liệu thu thập được trong trang trại sẽ được báo về thiết bị thông minh như điện thoại, máy vi tính. Khi các thông số trong chuồng nuôi không bảo đảm, hệ thống sẽ gửi cảnh báo ngay lập tức để chủ trang trại biết và có giải pháp điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm các điều kiện vi khí hậu tốt nhất cho cây trồng, vật nuôi.
Trong quá trình thử nghiệm tại 95 trang trại của các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã cho kết quả rất khả quan. Đối với các trang trại giống, nâng cao tỉ lệ sinh đẻ bình quân trong tháng từ 11,5 – 12,01 heo con/lứa, tăng giá trị heo con lên giúp chủ trang trại có thêm lợi nhuận khoảng 40 – 45 triệu đồng/tháng. Đồng thời, giảm tỉ lệ chết của heo con. Đối với heo thịt cũng thấy được sự tiến triển khi lắp đặt hệ thống: giảm tỉ lệ chết từ 4% xuống 1,32%, giảm chi phí thức ăn. Khi ứng dụng hệ thống vào trang trại không chỉ tăng năng suất sản xuất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm. Cụ thể, hàm lượng protein đã tăng 4,6% đối với thịt gà, 6,1% đối với thịt heo, làm giảm 2,4% lượng mỡ của thịt….
Bà Phạm Thị Yến - là chủ doanh nghiệp có diện tích chuồng tại Hưng Yên chia sẻ: Từ ngày áp dụng thiết bị kiểm soát vi khí hậu, tôi dễ dàng kiểm soát được nhiệt độ chuồng, nhiều trang trại của doanh nghiệp cho năng suất thịt cao hơn, thịt cũng được các thương lái đánh giá cao. Công ty chúng tôi vô cùng rất phấn khởi.
Với dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu do bà Lê Thị Thu Hằng làm chủ dự án. Kỹ thuật khoa học công nghệ trong trồng trọt thực hiện theo 4 quy trình công nghệ bao gồm Quy trình kỹ thuật nhân giống cây nghệ vàng; Quy trình kỹ thuật trồng trọt cây nghệ vàng; Quy trình kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản cây nghệ vàng; Quy trình chiết xuất và tinh chế curcumin.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Đại diện nhóm nghiên cứu dự án cho biết: Hiện, đã xây dựng thành công được 4 mô hình về nhân giống nghệ vàng với 50.000 m2 vườn giống gốc và 1.000 m2 vườn ươm giống tạo 30 tấn/ha củ giống nghệ vàng Mô hình trồng, chăm sóc, thu hái nghệ vàng được 50,1 ha. Mô hình sơ chế dược liệu là 1.503 tấn dược liệu tươi, 250 tấn dược liệu vàng khô đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam V. Mô hình chiết suất và tinh chế curcumin đạt 300kg bột. Sau khi áp dụng quy trình trên, 4 mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao, thu được 584.091.236 đồng tiền lãi.
Các dự án khoa học công nghệ sau khi thí điểm và được ứng dụng rộng rãi đều cho kết quả tích cực, đem lại năng suất, chất lượng tốt cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương lân cận.
UNBD tỉnh Hưng Yên cũng có những hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, cũng tích cực thực hiện các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện, năng lực. Sở cũng định hướng cho các doanh nghiệp ứng dụng kết quả vào hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ tài sản trí tuệ; tổ chức tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động kết nối, trao đổi sản phẩm công nghệ tại các chợ công nghệ và thiết bị do Bộ Khoa học và Công nghệ, địa phương trên cả nước tổ chức. Việc này mở ra thêm nhiều cơ hội để các đơn vị, cá nhân được quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại, tăng vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Song, theo đánh giá khách quan, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn chưa phát triển toàn diện, đồng bộ, chưa tạo thành mạng lưới hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Nhất là sự liên thông giữa thị trường khoa học công nghệ của tỉnh với các địa phương trên cả nước còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ngày càng tăng cao.
Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có quy mô vừa và nhỏ, chưa có đủ năng lực để tự chủ động tìm kiếm hay tự chủ động về các nguồn cung công nghệ. Mặt khác, các doanh nghiệp của tỉnh cũng chưa có đủ nguồn nhân lực có chuyên môn cao để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao áp dụng vào sản xuất. Do vậy, việc chủ động tham gia thị trường khoa học công nghệ của các doanh nghiệp cũng còn nhiều thiếu sót.
Nhằm thực hiện thắng lợi Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030, ngày 22/9/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2209/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ tỉnh Hưng Yên đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học công nghệ hàng năm tăng bình quân 30%, tỉ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt 20%, tỉ lệ giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%... UBND tỉnh Hưng Yên đã và đang quyết tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển ý tưởng, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ mới và ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh cũng luôn nỗ lực trong vấn đề bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ. Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở mọi lĩnh vực để tìm kiếm những giải pháp mới có giá trị ứng dụng cao.
Tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết giữa các viện, trường đại học, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, đẩy mạnh kết nối cung – cầu… nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành tựu, phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở ban ngành phải luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của các cá nhân, sẵn sàng giải đáp nhanh chóng. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với tỉnh giải pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm tốt hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Toàn tỉnh quyết tâm thực hiện tốt hoạt động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế địa phương.
Có thể bạn quan tâm