Hưng Yên: Điều chỉnh quy hoạch dự án “treo” hơn 10 năm

LAN VŨ 06/07/2021 03:50

Sau hơn 10 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án KCN Kim Động vẫn còn là một cánh đồng xanh. Thay vì thu hồi thì mới đây UBND tỉnh Hưng Yên lại vừa ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch.

Dự án Khu công nghiệp (KCN) Kim Động được Ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 17/12/2010, tại xã Phạm Ngũ Lão và xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động cho Tập đoàn Đầu tư xây dựng DĐK (DĐK Group).

Theo giấy chứng nhận đầu tư, KCN Kim Động dự kiến hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vòng 34 tháng. Từ tháng 12/2010 đến 10/2013, chủ đầu tư sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất thuộc dự án, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, xây dựng các công trình kỹ thuật. Đến quý IV/2015, giai đoạn 1 (100ha) dự kiến đi vào hoạt động và năm 2017, giai đoạn 2 (100ha) sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm qua dự án vẫn đang bị treo.

Nếu không có biển tên dự án nằm giữa cánh đồng thì không ai biết được đây là vị trí được quy hoạch để trở thành một KCN

Nếu không có biển tên dự án nằm giữa cánh đồng thì không ai biết được đây là vị trí được quy hoạch để trở thành KCN Kim Động

Thế nhưng mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN Kim Động. Theo quyết định này, đơn vị tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DÐK. Tính chất khu công nghiệp Kim Động được phê duyệt là khu công nghiệp tổng hợp, có tính chất công nghiệp sạch với các loại hình công nghiệp chủ yếu như sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử viễn thông, điện gia dụng, điện lạnh dùng trong công nghiệp chế biến, công nghệ phần mềm; sản xuất hàng tiêu dùng như bàn ghế, trang thiết bị nội thất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cao cấp, vật dụng văn phòng, văn phòng phẩm; may quần áo xuất khẩu...

Với kỳ vọng là KCN sạch, thu hút các ngành sản xuất công nghiệp ít gây ô nhiễm, độc hại như: sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử viễn thông, điện gia dụng, điện lạnh dùng trong công nghiệp chế biến; công nghệ phần mềm; sản xuất hàng tiêu dùng… trải qua hơn một thập kỷ, dự án đang là nỗi thất vọng đối với người dân. Nếu không có biển tên dự án nằm giữa cánh đồng thì không ai biết được đây là vị trí được quy hoạch để trở thành một KCN với diện tích lớn nhất tỉnh Hưng Yên.

Theo cơ chế, kinh phí giải phóng mặt bằng chủ đầu tư sẽ chi trả, sau đó sẽ được trừ vào tiền thuê đất theo luật định. Tổng số tiền mà DĐK Group phải chi trả về công tác giải phóng mặt bằng là gần 115 tỷ đồng.

Trước đó, từ năm 2016, BQL các KCN tỉnh Hưng Yên hàng năm đều có nhiều văn bản đốc thúc phía chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường cho người dân. Nhưng đến tháng 9/2018 Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK mới chi trả được 20 tỷ đồng.

Hiện, dự án vẫn là cánh đồng được người dân hàng năm trồng lúa, chưa có dấu hiệu gì của việc xây dựng. Tuy nhiên, thay vì thu hồi, tìm một nhà đầu tư có năng lực hơn thì tỉnh Hưng Yên lại chọn thay đổi quy hoạch.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những lý do khiến nhiều dự án bị “treo” là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách đề xuất dự án đầu tư để được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ đất chờ giá đất tăng thêm để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nhằm thu lợi.

“Trong khi đó, quy định pháp luật về xử lý các dự án “treo” hiện nay vẫn chưa khả thi, vậy nên tình trạng “treo” chưa thể giảm, thậm chí có dự án “treo” tới hơn 10 năm mà vẫn không “hạ xuống” được”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Vậy, việc tỉnh Hưng Yên điều chỉnh quy hoạch dự án KCN Kim Động liệu có đang tạo tiền lệ xấu khi các doanh nghiệp cứ ung dung để dự án treo rồi lại được điều chỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • "Chìa khóa" xóa dự án treo

    11:00, 19/06/2021

  • BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN:

    BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: "Dự án treo” vẫn là căn bệnh mãn tính

    05:14, 21/03/2021

  • Bắt buộc thu hồi dự án treo

    Bắt buộc thu hồi dự án treo

    10:32, 09/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hưng Yên: Điều chỉnh quy hoạch dự án “treo” hơn 10 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO