Ngày 1/10, tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng để lãnh đạo tỉnh tri ân các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; quan tâm xây dựng, tôn vinh, cổ vũ, động viên kịp thời doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, khát vọng cống hiến.
Chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, cạnh tranh, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển; tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, hoạch định và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh; tăng cường phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, kĩ năng quản trị, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; củng cố và nâng cao niềm tin và động lực phát triển của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, chủ động đổi mới công nghệ, cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, quản trị để tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, cho xã hội. Chú trọng xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến trách nhiệm xã hội. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp, là tiếng nói của doanh nghiệp đến những người thực thi công vụ; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Trịnh Văn Diễn - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hưng Yên đã chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, tình hình hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Văn Diễn cho biết, về thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh có 10 KCN đã đi vào hoạt động, đã GPMB được khoảng 2.728ha, cho thuê khoảng 2.498 ha, đầu tư xây dựng hạ tầng được khoảng 2.204 ha, tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 9.971 tỷ đồng và 351 triệu USD. Tổng diện tích đất đã cho thuê là 1.264 ha; Tỷ lệ lấp đầy khoảng 55,5%.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 26.557,7 tỷ đồng và 645,36 triệu USD (tổng tương đương 1.719,1 USD). Nâng tổng số dự án còn liệu lực trên địa bàn tỉnh 2.303 dự án, trong đó có 1.715 dự án trong nước và 588 dự án nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký là 343.843 tỷ đồng và 7,68 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên từ 22 các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là quốc gia đầu tư có số dự án và vốn đầu tư lớn nhất với 147 dự án và 3,6 tỷ USD; tiếp theo là Trung Quốc với 70 dự án và 957 triệu USD; Hàn Quốc với 63 dự án và 650 triệu USD; các quốc gia còn lại như: Mỹ, Anh, Italia, Đức, Thụy Sỹ, Canada, Singapore, Hà Lan, Thái Lan,…
Trong đó một số dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao do các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài và trong nước đầu tư, như: Các dự án của Toto với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 403 triệu USD, Dự án của Nippon Mektron với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, Các dự án của Kyocera với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 264 triệu USD, Dự án Hoya với tổng vốn đầu tư đăng ký 214 triệu USD, Các dự án của Hyundai với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 210 triệu USD; Dự án của Canon với tổng vốn đầu tư đăng ký 128 triệu USD; Dự án sản xuất phim phân cực LCD sử dụng cho điện thoại thông minh và ô tô của Công ty TNHH Nitto Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 132 triệu USD, Dự án sản xuất chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 88 triệu USD; Dự án của Daikin với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 95 triệu USD, Dự án của tôn Hòa Phát với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.300 tỷ đồng, và Dự án của Nutifood với tổng vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng.,,,.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 18.038 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 235.008 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ có 35 KCN được quy hoạch phát triển, với diện tích 12.048,63 ha. Công tác quy hoạch cũng rất được tỉnh quan tâm, bởi có “Quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt”.
Giai đoạn đến năm 2030, Hưng Yên phát triển mới 30 KCN, với tổng diện tích 9.183,53 ha; Quy hoạch phát triển mở rộng 04 KCN, với tổng diện tích 405,1 ha. Tổng diện tích đất quy hoạch phát triển KCN giai đoạn đến năm 2030 là 9.588,63 ha.
Giai đoạn sau năm 2030, Quy hoạch phát triển mới 05 KCN, với tổng diện tích 2.460 ha. Trong số các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch có 11 KCN đã hoàn thành lập, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, với tổng quy mô diện tích 2.873,38 ha; 08 KCN với tổng quy mô diện tích 2.408 ha được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý chủ trương tiếp nhận tài trợ kinh phí thực hiện.
16 KCN còn lại mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang nghiên cứu triển khai lập quy hoạch xây dựng, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế địa phương theo từng giai đoạn.
Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh quy hoạch 39 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 1.706,01 ha, định hướng đến năm 2030 toàn tỉnh có 64 CCN, với tổng diện tích là 3.344,61 ha. Đến nay, đã có 24 CCN được UBND tỉnh quyết định thành lập, với tổng diện tích là 1.167,18 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.887,95 tỷ đồng. Hiện nay, có 05 CCN đã và đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng về mặt bằng để tiếp nhận dự án thứ cấp vào đầu tư; dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ tiếp tục tiếp nhận các dự án thứ cấp vào các CCN Quảng Lãng - Đặng Lễ, CCN Quang Vinh – Vân Du và CCN Trần Cao – Quang Hưng, ông Diễn cho biết.
Tham luận tại Hội nghị, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Bắc Hưng Yên cho rằng, ngành ngân hàng nói chung luôn luôn đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận tín dụng để đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, qua những thiệt hại nặng nề của bão Yagi vừa qua đối với người dân, doanh nghiệp, Vietinbank Hưng Yên đã có những chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay và cho vay mới, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Với xu thế chung, Vietinbank đều đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án mở rộng kinh doanh, đầu tư mới trên tinh thần thủ tục vay vốn nhanh nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Nói về những vấn đề pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Đăng Hùng, công ty CP Đầu tư và phát triển Thái Dương – doanh nghiệp sản xuất bao bì PP trên địa bàn Phố Nối A cho rằng, những ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế thế giới và trong nước đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt thời gian qua. Do đó, những vấn đề pháp lý có vai trò quan trọng, đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ và tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn mình ra thế giới.