Hưng Yên: Phát huy vai trò giám sát của Hiệp hội doanh nghiệp

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 03/07/2024 06:02

Việc cải thiện môi trường đầu tư cần sự chung tay của hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên, trong đó vai trò giám sát của HHDN được đề cao để kịp thời tham mưu giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

>>> PCI 2023: Hưng Yên tiếp tục bứt phá

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia năm 2023, ngày 21/02/2024, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND (Kế hoạch 31) để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết này, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên cùng Đoàn công tác của Hiệp hội tham quan nhà máy sản xuất bao bì của công ty CP Haplast, huyện Ân Thi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên cùng Đoàn công tác của Hiệp hội tham quan nhà máy sản xuất bao bì của công ty CP Haplast, huyện Ân Thi

Phát huy vai trò giám sát của Hiệp hội doanh nghiệp

Theo Kế hoạch 31, tỉnh Hưng Yên xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các văn bản chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các sở, ban, ngành, địa phương được tỉnh đề cao để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua giám sát thực hiện các nhiệm vụ tạo ra sự đổi mới trong việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các nhà đầu tư để phòng ngừa các tranh chấp về thương mại và đầu tư.

Cũng theo Kế hoạch này, Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hội doanh nghiệp, hội ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và triển khai công tác điều tra, công bố các chỉ số về cảm nhận của doanh nghiệp đối với các vấn đề, lĩnh vực môi trường kinh doanh; lồng ghép với đánh giá thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên cho biết, Hiệp hội ra đời với sứ mệnh là “ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 20 năm qua, HHDN tỉnh đã dần trở thành tổ chức có tiềm lực kinh tế mạnh, năng động, sáng tạo nhất, chất lượng dịch vụ hoàn hảo nhất, hoạt động chuyên nghiệp nhất, là địa chỉ tin cậy nhất của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên và là đầu mối mở rộng giao lưu, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

>>> Hưng Yên: Tạo môi trường thu hút đầu tư FDI

Theo bà Hà, những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; uy tín và những đóng góp của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên đang chuyển mình, phát triển nhanh, đó là kết quả, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách Nhà nước.

“Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên luôn nỗ lực kiến tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch để ngày càng “hút” nhiều hơn các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh. Do đó, việc giám sát công tác thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh tại các sở, ban, ngành và địa phương sẽ giúp HHDN kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từ đó kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, VCCI có biện pháp xử trí phù hợp”, Chủ tịch HHDN Nguyễn Thị Thanh Hà cho hay.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên làm việc với UBND huyện Ân Thi ngày 13/6/2024

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên làm việc với UBND huyện Ân Thi ngày 13/6/2024

Để nắm bắt tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, HHDN tỉnh Hưng Yên đã thành lập Đoàn công tác để làm việc với UBND các địa phương, Hội Doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Qua làm việc, HHDN đã nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế - xã hội; những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đồng thời, những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng được làm rõ, từ đó HHDN sẽ tổng hợp và tham mưu, đề xuất, kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và VCCI để tìm các giải pháp tháo gỡ.

Môi trường kinh doanh đã được cải thiện

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi cho biết, huyện Ân Thi luôn xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, qua đó nâng cao chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi trao đổi với Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thanh Hà về tình hình phát triển KT-XH địa phương

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi trao đổi với Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thanh Hà về tình hình phát triển KT-XH địa phương

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn, thời gian qua huyện Ân Thi đã có nhiều giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, tạo động lực đổi mới phát triển KT-XH của địa phương. Huyện Ân Thi thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ động phối hợp đề xuất các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đất đai, mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động tiếp cận, tiếp xúc doanh nghiệp để kết nối, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Ân Thi những năm qua đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động có sự chuyển biến phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiệu quả và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp được nâng lên. Cộng đồng doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức góp phần quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Ông Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ làm việc với Đoàn công tác HHDN tỉnh, ngày 17/6/2024

Ông Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ làm việc với Đoàn công tác HHDN tỉnh, ngày 17/6/2024

Ông Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ cho rằng, Yên Mỹ là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ nhanh của tỉnh; là địa bàn có nhiều tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ chạy qua nên rất thuận lợi cho giao thương, luân chuyển hàng hóa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Những năm qua, chính quyền huyện Yên Mỹ luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện công tác phục vụ người dân, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh.

“Với khát vọng vươn lên, hướng tới trở thành huyện công nghiệp của tỉnh, Yên Mỹ luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, gia tăng ngân sách Nhà nước”, ông Đặng Xuân Lương cho hay.

Đối với huyện Văn Giang, ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện Văn Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị đến năm 2040 theo Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023. Theo đó, đô thị Văn Giang được quy hoạch có tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang phát biểu tại buổi làm việc với HHDN tỉnh Hưng Yên ngày 20/6/2024

Ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang phát biểu tại buổi làm việc với HHDN tỉnh Hưng Yên ngày 20/6/2024

Với mục tiêu đến năm 2025, Văn Giang trở thành đô thị loại III, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, huyện đã và đang tập trung huy động các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư, sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện tập trung phát triển hệ thống hạ tầng chung và các khu chức năng có tính động lực của đô thị như các tuyến giao thông chính, khu vực trung tâm hành chính huyện và vùng phụ cận; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị đang triển khai trên địa bàn huyện, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo nền tảng sinh thái cho đô thị phát triển; hoàn thiện các trục cảnh quan đô thị theo hướng Đông-Tây; đưa vào vận hành và khai thác các dự án đô thị, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực vùng bãi ven sông Hồng nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch và việc làm... hình thành mạng lưới đô thị hợp lý.

Ông Nguyễn Quốc Chương cho rằng, với mong muốn tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư của địa phương thông thoáng, minh bạch, thân thiện, chính quyền huyện Văn Giang luôn tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Sớm cập nhật Quy hoạch tỉnh

Ông Đặng Văn Ánh – Tổng Giám đốc công ty CP Haplast, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Ân Thi

Công ty CP Haplast là chủ đầu tư cụm công nghiệp (CCN) Đa Lộc trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Hiện CCN này đang hoàn tất các thủ tục hành chính về đầu tư. Tuy nhiên, theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn một số nội dung vướng mắc liên quan đến Quy hoạch vùng gây ảnh hưởng tới quy hoạch cụm công nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn chính quyền huyện Ân Thi sớm cập nhật những nội dung mới trong Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng huyện để chủ đầu tư có căn cứ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Đồng thời, hiện nay trên đất quy hoạch của cụm công nghiệp Đa Lộc xuất hiện tình trạng người dân tự ý trồng cây lâu năm trên đất công nghiệp sai quy định. Công ty Haplast đề nghị UBND huyện Ân Thi sớm có biện pháp ngăn chặn, tránh ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án cụm công nghiệp.

Đề nghị tỉnh Hưng Yên sớm bàn giao đất cho KCN

Ông Nguyễn Tuân, Giám đốc công ty CP đầu tư KCN Yên Mỹ - chủ đầu tư KCN số 5

KCN số 5 có tổng diện tích 192,64 ha, nằm trên địa bàn huyện Ân Thi và huyện Kim Động. Dự án được chia làm 2 giai đoạn giao đất, đến nay đã thu hút được 2 dự án DDI và 10 dự án FDI. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến 4 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư mong muốn chính quyền huyện Ân Thi sớm tổ chức phương án giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho doanh nghiệp sớm hoàn thiện hạ tầng kĩ thuật của KCN.

Cùng với đó, đặc thù của KCN số 5 nằm trên trục đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, theo quy hoạch có điểm đấu nối với đường gom của Quốc lộ 38. Tuy nhiên, Quốc lộ này hiện chưa hình thành hệ thống đường gom 2 bên. Do đó, doanh nghiệp đề nghị tỉnh Hưng Yên sớm triển khai thực hiện hệ thống đường gom 2 bên QL38 để khu công nghiệp số 5 đồng bộ với hạ tầng giao thông của tỉnh.

Giải quyết tình trạng thiếu vật liệu san lấp

Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban QLDA cụm công nghiệp Quảng Lãng – Đặng Lễ

Cụm công nghiệp Quảng Lãng – Đặng Lễ có diện tích quy hoạch 75 ha, nằm trên địa bàn huyện Ân Thi. Từ khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, đến nay 100% diện tích cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng xong và bàn giao cho chủ đầu tư mà không phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế. Điều đó cho thấy công tác dân vận của các cấp chính quyền huyện Ân Thi rất tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công hạ tầng cụm công nghiệp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu san lấp do trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị hạn chế số lượng. Do đó, chủ đầu tư mong muốn tỉnh Hưng Yên sớm có phương án giải quyết tình trạng này, đảm bảo nguồn cung về vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng để doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thi công như đã đăng ký.

Đầu tư khoa học công nghệ cho doanh nghiệp

Ông Dương Văn Thạo, Giám đốc công ty CP Aikido Việt Nam

Các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên và cả nước hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến tranh địa chính trị. Sức cầu thấp khiến doanh nghiệp ít đơn hàng hoặc khó tìm kiếm đơn hàng. Ngoài ra, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tiên tiến vào Việt Nam rất lớn, trong khi doanh nghiệp Việt chưa có công nghệ sản xuất hiện đại để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên cần có những giải pháp đầu tư về khoa học công nghệ, cùng với doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trên thế giới vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Đồng thời, nhà nước cần những gói tín dụng cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ để tạo nên dây chuyền sản xuất hiện đại, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hợp tác với nhau

Ông Lâm Đức Duy, Giám đốc công ty TNHH thương mại và dịch vụ Quốc Anh – Siêu thị điện máy Lâm Duy

Tỉnh Hưng Yên đang là “địa chỉ đỏ” thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về thương mại, dịch vụ trong tỉnh nắm bắt thời cơ để cùng các doanh nghiệp lớn hợp tác, phát triển.

Các doanh nghiệp nhỏ cần liên kết hợp tác theo mô hình nhóm doanh nghiệp có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp. Sự liên kết hợp tác này thông qua việc các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của nhau; hàng hóa của doanh nghiệp này có thể là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp kia; từ đó tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Để làm được, các doanh nghiệp trong tỉnh cần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, liên tục đổi mới khoa khọc kĩ thuật để đáp ứng các nhu cầu của chủ đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hướng tới hợp tác phát triển bền vững.

Nâng cao vai trò cầu nối của Hội doanh nghiệp huyện

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mỹ

Năm 2024 kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp huyện Yên Mỹ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ phải đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng. Do đó, Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mỹ được thành lập và đi vào hoạt động là địa chỉ để tập hợp các doanh nghiệp hội viên trên địa bàn cùng hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển. Hơn nữa, Hội doanh nghiệp còn là “cầu nối” truyền tải những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hội viên với chính quyền nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp huyện Yên Mỹ đánh giá cao những nỗ lực cải cách của chính quyền huyện trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh. Hội doanh nghiệp mong muốn trong thời gian tới, chính quyền các cấp tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế; cải cách hành chính, chuyển đổi số để tạo lập không gian phát triển thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, huyện Yên Mỹ cần phát triển đồng bộ hơn nữa hạ tầng xã hội (điện, nước, giao thông,…) để tạo thế và lực thu hút các nhà đầu tư lớn đến với huyện.

Cú huých cho doanh nghiệp phát triển

Ông Vũ Mai Phong, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark

Thời gian qua, với sự và cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh, Hưng Yên đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài và trong nước đến với tỉnh. Các dự án đầu tư không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, mà nhiều dự án lớn về đô thị, thương mại, dịch vụ cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trong 20 năm hình thành, phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã từng bước khẳng định vai trò, trách nhiệm to lớn của mình trong việc tạo sân chơi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hưng Yên vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với đó, các Hội doanh nghiệp cấp huyện cũng phát huy tốt vai trò của mình, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu, giá trị riêng.

Có thể nói, sự hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp huyện đã tạo “cú huých” lớn cho cộng đồng doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thông qua Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã mở rộng được năng lực sản xuất, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn mình ra “biển lớn”, xây dựng quê hương Hưng Yên phát triển giàu đẹp, bền vững.

Nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân

Ông Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Văn Giang

Văn Giang là một trong những huyện có tốc độ phát triển nhanh của tỉnh Hưng Yên những năm gần đây. Tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã không ngừng lớn mạnh, vươn lên trong sản xuất kinh doanh và tạo nên những thương hiệu riêng có trên thị trường.

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều cách làm mới, sáng tạo của chính quyền tỉnh Hưng Yên nói chung, huyện Văn Giang nói riêng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Hội Doanh nghiệp huyện là tổ chức tự nguyện, tập hợp và đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất tới các cấp chính quyền trong tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ.

Các doanh nghiệp huyện Văn Giang nên tham gia sinh hoạt của Hội, cùng chung tay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp huyện phát triển mạnh mẽ, nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân để giúp tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xứng đáng với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư KCN thông minh tại Hưng Yên

    Doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư KCN thông minh tại Hưng Yên

    01:30, 12/06/2024

  • Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ

    Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ

    03:03, 01/07/2024

  • Hưng Yên phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Hưng Yên phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    03:09, 11/06/2024

  • Khai mạc phiên chợ Vải trứng Hưng Yên năm 2024

    Khai mạc phiên chợ Vải trứng Hưng Yên năm 2024

    01:23, 02/06/2024

  • Huyện Kim Động (Hưng Yên): Sức hút từ hạ tầng giao thông

    Huyện Kim Động (Hưng Yên): Sức hút từ hạ tầng giao thông

    09:57, 03/05/2024

  • Hưng Yên: Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo động lực tăng trưởng kinh tế

    Hưng Yên: Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo động lực tăng trưởng kinh tế

    13:21, 23/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hưng Yên: Phát huy vai trò giám sát của Hiệp hội doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO